“Chiến dịch Linebacker 2 không thể vắt ra được những nhượng bộ quyết định nào của Bắc Việt Nam”, G.S Guenter Lewy viết trong cuốn “Mỹ ở Việt Nam” (xuất bản năm 1978).

'Điện Biên Phủ trên không': Chuyện từ phía bên kia

Lầu Năm Góc: Lẩn tránh và Giấu diếm


Siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm?


Một cuộc xuất kích của bất kỳ chiếc B.52 nào cũng được tổ chức đặc biệt chặt chẽ. Là một trong 3 thứ vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ, mỗi chiếc trị giá 8 triệu USD lúc bấy giờ, siêu pháo đài bay B.52 liên tục được nâng cấp các phiên bản B.52D, B.52G… mỗi tốp bay thường gồm 3 chiếc.

B.52 một thời được xem là niềm tự hào của các nhân viên công ty Boeing cũng như các chuyên viên kỹ thuật quân sự Mỹ.

Tuy nhiên đối với những người có thân nhân bị nạn trong các vụ ném bom rải thảm ở Việt Nam thì B.52 là một biểu tượng của tội ác.

Một chiếc B.52 có sải cánh 56,39m, dài 40,05m, cao 12,4m, trang bị 8 động cơ, khối lượng cất cánh tối đa 221,35 tấn, tầm bay của B.52G tới 12.000m, B.52H tới 16.000m so với mặt đất, trần bay ở độ cao 15 km so với mặt biển, một kíp bay gồm có 6 người, có thể mang tới 30 tấn bom.

Đại úy không quân Mỹ Robert E. Wolff, trong một bài đăng trên tạp chí “Không quân Mỹ” (Air Force Magazine) tháng 9/1979 tiết lộ về quy luật hành quân ném bom của một phi đội B.52 trong chiến dịch Linebacker 2 tại Bắc Việt Nam năm 1972: “Cuộc tập kích bằng B.52 kéo dài 11 ngày vào tháng 12/1972 đánh phá miền Bắc Việt Nam đã từng gây ra nhiều tranh luận là một trong những trường hợp sử dụng tập trung hỏa lực không quân ở mức độ cao nhất trong lịch sử chiến tranh, chống lại một hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới…

Thoạt tiên, nó (chiến dịch Linebacker 2-NV) được hoạch định dưới hình thức một cuộc tập kích bằng B.52 kéo dài 3 ngày vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng, nhưng sau đó được mở rộng thành cuộc chiến tranh 11 ngày…

Dẫn đầu lực lượng không quân chiến thuật là các máy bay EB66 được sử dụng như một dàn máy gây nhiễu, áp dụng các biện pháp điện tử chống điện tử tầm xa. Trong cuộc hành quân này, các máy bay EB66 bay lượn ở phía Nam khu vực mục tiêu, gây nhiễu hệ thống phòng không của Hà Nội.

Các máy bay F111 dẫn đầu lực lượng tấn công thực sự và lãnh đạo một nhiệm vụ có mức độ ưu tiên cao nhất. Máy bay F111 bay rất thấp với tốc độ nhanh bám sát địa hình để đánh sân bay và các vị trí SAM của đối phương.

“Lần đầu tiên trong một cuộc chiến tranh, chúng ta – Mỹ thực hiện một nỗ lực quyết định nhằm triệt hạ các hệ thống phòng không tuyệt hảo của Hà Nội”, Robert E. Wolff viết.

Viên đại úy không quân mô tả, theo sau các F111 là các máy bay F4 rải một hành lang gồm những mảnh kim loại nhiễu xạ làm mờ các màn hiện sóng ra-đa của đối phương. Bức màn nhiễu xạ này sẽ khiến những nhân viên điều khiển ra-đa đối phương rất khó khăn phân biệt được một B.52 với nhiều tín hiệu giả tạo thu nhận trên màn hiện sóng.
 Nhiệm vụ nữa của F4 là cùng với máy bay F105 hộ tống các máy bay ném bom B.52 khổng lồ. Các máy bay chiến đấu càn quét khu vực mục tiêu trước khi lực lượng máy bay chiến lực B.52 đến nơi…

Các máy bay F105 “bàn tay sắt” trang bị tên lửa chống ra-đa chặm chùm tín hiệu hướng dẫn của tên lửa SAM-2 (loại tên lửa chống máy bay phổ biến của Việt Nam lúc ấy), ra-đa.

“Nhờ phối hợp hoạt dộng của các vị trí ra-đa với nhau, đối phương có thể làm giảm bớt hiệu năng của các tên lửa chống ra-đa của chúng ta – Mỹ. Tuy nhiên, sự có mặt của các máy bay F105 này đã làm giảm bớt mức độ chính xác của tên lửa đối phương rất nhiều’, Robert E. Wolff viết.

Dù sao đi nữa, bộ phận chủ công của các cuộc hành quân Linebacker 2 vẫn là các máy bay B.52. Sự hỗ trợ của các loại máy bay khác là rất quan trọng, nhưng các B.52 tự chúng cũng có mang rất nhiều trang bị có thể giúp chúng thâm nhập vào mục tiêu. Các thiết bị điện tử chống điện tử được đánh giá cao nhất vì chúng có thể làm vô hiệu hóa mối đe dọa của các tên lửa SAM. Nó còn được trang bị 4 súng máy bắn về phía sau để chống các máy bay MIG.

“Ngày đầu tiên chúng tôi biết được có một chiến dịch quan trọng đã được hoạch định là ngày 17/12/1972. Chúng tôi sẽ tiến công những mục tiêu ở những vùng được phòng thủ chặt chẽ nhất thế giới”, viên đại úy không quân nhớ lại trong hồi kí.

Với những trang thiết bị điện tử và lực lượng bảo vệ, gây nhiễu… được tổ chức chặt chẽ khi hành quân như thế, quân đội Mỹ tự hào đây là thứ vũ khí chiến lược bất khả xâm phạm.

Nhưng rốt cuộc, B.52 lần lượt rụng như sung trên bầu trời Hà Nội, còn Robert E. Wolff trở thành một trong những phi công tham chiến bị bắt tại miền Bắc Việt Nam khi siêu pháo đài bay B.52 do anh ta lái bị bắn rơi.



Hạ gục pháo đài bay

20h13’ ngày 18/12, cả vùng trời đêm phía Bắc Hà Nội bừng sáng vì một quả cầu lửa trên không vụt cháy. Tiểu đoàn tên lửa 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn phòng không Hà Nội, với 3 quả tên lửa SAM 2, tại góc tà 340, bắn rơi tại chỗ một chiếc B.52G đang xâm nhập đánh phá Hà Nội mà chưa kịp cắt bom.

Chiếc B.52 đầu tiên bị tên lửa SAM bắn trúng trên bầu trời Hà Nội rơi xuống cánh đồng Chuôm, thuộc xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc, cách trận địa bố trí tiểu đoàn tên lửa 59 vẻn vẹn có… 10km.

“Ngày 19/12/1972, giới quân sự Mỹ ở Sài Gòn báo cáo lại, có 3 B.52 và 2 máy bay ném bom bị rơi ngoài vĩ tuyến 20, 15 phi công bị mất tích. Hơn 100 máy bay B.52 và nhiều loại máy bay ném bom khác đã tham gia trong trận này”, thông tin từ cuốn Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War, USA, Mallard, 1989).

“Ngày 21/12/1972, theo thông báo trong trận ngày 18/12/1972 có 8 máy bay B.52 bị thất lạc cùng với 43 phi công bị mất tích. Ngày 22/12, lại có 10 máy bay B.52, mỗi chiếc trị giá 8 triệu đô la bị mất tích từ 18/12, cùng với 55 phi công. Một con số tương đương với 13% số tù binh Mỹ được giữ tại Hà Nội trước khi ném bom”, cũng trong cuốn Chiến tranh Việt Nam ghi.

“Ngày 26/12/1972, máy bay Mỹ đã dội bom xuống Hà Nội trong suốt 40 phút và có ít nhất là 5 chiếc B.52 đã bị bắn rơi”, lại là cuốn sách Chiến tranh Việt Nam thống kê.

“Ngày 31/12/1972, chiến dịch ném bom căng thẳng nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Bắc Việt cho dùng toàn bộ lực lượng tên lửa đất đối không gồm 1.200 quả để bắn trả máy bay B.52. 15 chiếc B.52 bị bắn rơi cùng với 93 phi công đã bị chết, mất tích hoặc bị bắt”, sách này tổng kết.

Còn hãng tin Mỹ UPI, ngày 31/12/1972 đưa bản tin ngắn gọn: “12 ngày ném bom trở lại vùng Hà Nội, Hải Phòng được coi là cuộc ném bom dữ dội nhất trong lịch sử chiến tranh, đã làm cho Mỹ bị thiệt hại nặng nề nhất về người và trang bị. Từ 18-30/12, 76 phi công Mỹ đã bị mất ở Bắc Việt, có lẽ là bị bắt. Nhiều người chết và bị thương”.

Đại úy không quân Mỹ Robert E. Wolff mà chúng tôi nhắc tới ở trên đã là một không nhiều các phi công Mỹ may mắn “bị bắn rơi” nhưng còn có thể trở về. Trong những ngày bị giam giữ tại Hilton Hỏa Lò, Robert có dịp nhớ lại các thông số đã được cập nhật trước khi bước lên chiếc pháo đài bay định mệnh: “Vùng Hà Nội, Hải Phòng được phòng thủ bằng 30 vị trí tên lửa SAM-2, với trên 200 bệ phóng. Tên lửa SAM-2 được thiết kế đặc biệt để bắn hạ máy bay ở độ cao mà chúng tôi dự định bay.

Ngoài hệ thống SAM nói trên còn có 145 máy bay chiến đấu, phần lớn là MIG-19 và MIG-21, là những máy bay có thừa khả năng gây trở ngại cho lực lượng máy bay B.52. Trong hệ thống phòng thủ này còn có pháo phòng không đủ loại, trong đó có một vài loại đáng ngại. Chúng tôi rời phòng thuyết trình với tâm trạng băn khoăn…”.

Thực ra thông tin tình báo của Mỹ về lực lượng không quân của Hà Nội khá chính xác (dù không tuyệt đối).

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) xác nhận: “Năm 1972, khi bước vào cuộc đọ sức giai đoạn này, chúng ta có 4 trung đoàn không quân chiến đấu”.

Tổng số máy bay phía Hà Nội có lúc bấy giờ khoảng hơn 150 chiếc, nếu so với phía Mỹ có hơn 1.000 máy bay ở miền Nam Thái Lan, chưa kể thường xuyên có 3 tàu sân bay, cao điểm có lúc đến 4 tàu sân bay được bố trí ở vịnh Bắc Bộ và biển Đông, mỗi tàu sân bay chở theo 80-90 chiếc máy bay nữa, thì sự chênh lệch lực lượng là quá lớn.

Siêu pháo đài bay xuất trận trên bầu trời Hà Nội, với tỷ lệ rơi rụng ngày càng lớn. John T. Greenwood, khi viết “Máy bay B.52 trong vai trò chiến thuật” (Tạp chí Lịch sử quân sự, số 24, tháng 12/1972), thống kê:  “Có 15 chiếc B.52 bị tên lửa đất đối không bắn rơi: 9 chiếc B.52H và 6 chiếc B.52G; 9 chiếc khác bị thương, 29 phi công và nhân viên phi hành đoàn tử trận. 33 bị bắt sống, về sau được trao trả và 26 được cứu thoát sau trận đánh. Cá pháo đài bay đã oanh tạc 34 mục tiêu, trút gần 49.000 trái bom, tổng cộng 15.000 tấn (13.606.000kg)”.

Tuy nhiên, Joseph Amter, trong “Lời phán quyết về Việt Nam” đưa ra một thống kê khác: ‘Khoảng 33-35 B.52, chở gần 100 phi công Mỹ đã bị bắn rơi trong 12 ngày. Con số chính thức được thừa nhận chỉ 15 máy bay bị mất tích hầu như chắc chắn là sai. Tài bắn chính xác mới phát hiện ra ở các tay súng Bắc Việt Nam làm cho Lầu Năm góc ngạc nhiên đến mức cuối tháng 12 Bộ tham mưu liên quân đòi chấm dứt ném bom”.

Thống kê từ phía Hà Nội đưa ra ủng hộ con số tính toán của Joseph Amter: Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, miền Bắc Việt Nam bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài B.52.

Còn tờ Dailly Mirro (Tấm gương Chủ nhật, ngày 24/12/1972) thì mỉa mai: “Nixon ra lệnh cho Kissinger nói dối quanh nhằm thắng cử trong khi đó Nixon chuẩn bị B.52 để ném bom. Nhưng với mức độ B.52 bị rơi như hiện này thì hơn 200 ngày nữa là miền Bắc Việt Nam sẽ bắn rơi hết. Nixon đã nói dối và lừa gạt ngay cả chính nhân dân của ông ta”.

Trường Minh
(còn tiếp)