- Đồ chơi làm teo bộ phận sinh dục của bé trai, đông dược nhập lậu bảo quản bằng hóa chất độc hại, cam Trung Quốc (TQ) đội lốt cam trong nước xâm chiếm thị trường…là những sự kiện sức khỏe nổi bật tuần qua.
Đồ chơi làm "teo" bộ phận giới tính của bé trai
Đồ chơi trẻ em ngoại nhập nhiễm chất phthalate độc hại vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường. Chất phthalate có thể làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục của bé trai, về lâu dài dễ làm cho cơ quan sinh sản nam giới bị teo lại.
Theo báo Thanh Niên, khảo sát thị trường bán lẻ hiện nay cho thấy, loại đồ chơi trẻ em độc hại được bán tràn lan, công khai. Một cửa hàng đồ chơi trẻ em ngay góc đường Trường Chinh - Đồng Đen (Q.Tân Bình), những con thú nhún đủ màu xanh đỏ được trưng bày ra lề đường. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu khảo sát các “phố” kinh doanh đồ chơi trẻ em khu vực gần chợ đầu mối Bình Tây, đường Ngô Nhân Tịnh, Hải Thượng Lãn Ông... sẽ dễ dàng thấy hộ kinh doanh nào cũng trưng bày đầy rẫy thú nhún loại này.
Đồ chơi thú nhún bị phát hiện chứa chất độc hại đã bị nước ngoài thu hồi, tiêu hủy nhưng tại Việt Nam hàng này vẫn lên kệ siêu thị. |
Trước đó, cuối năm 2012 cơ quan quản lý ở Singapore đã kiểm tra, phát hiện chất phthalate độc hại trong sản phẩm đồ chơi thú nhún dành cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Singapore đã cho thu hồi loại đồ chơi có chứa chất độc hại này. Sau đó, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đã lấy một số mẫu đồ chơi trẻ em này để kiểm tra. Theo ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam, tháng 12/2012 chi cục đã lấy mẫu thú nhún xuất xứ Trung Quốc bán trên thị trường TP.HCM để đưa đi kiểm nghiệm, ở Hà Nội cũng tiến hành tương tự. Kết quả cho thấy, các mẫu thú nhún này đều bị nhiễm chất phthalate cao. Trong đó, một số mẫu chứa chất phthalate cao gấp 5-9 lần so với tiêu chuẩn thế giới.
Theo các nhà khoa học, nhóm phthalate gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo đó, các hợp chất phthalate có thể làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục của bé trai, về lâu dài dễ làm cho cơ quan sinh sản nam giới bị teo lại. Hoạt chất này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cấp tính.
Theo TS Hoàng Thị Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP.HCM, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, chất hóa dẻo gốc phthalate như DOP đang dần bị loại khỏi thị trường Mỹ và châu Âu do tính độc hại của phthalate, tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và gây ra hàng loạt các chứng bệnh và nhiều ca ngộ độc ở trẻ em... TS Hoàng Thị Kim Dung, nhấn mạnh: “Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể con người. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Một số hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định, trong đó có chất hóa dẻo dibutylphtalate”. Đại diện Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cho biết: “Chất này một số quốc gia trên thế giới đã cấm”.
Cam Trung Quốc đeo mác “cam Vinh”
Dù những “vựa” cam đặc sản trong nước như Hà Giang hay Nghệ An đều chưa vào vụ, nhưng thời gian gần đây trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố, người tiêu dùng vẫn được các tiểu thương kinh doanh chào bán loại cam lạ.
Với giá cả bình dân từ 30-35.000 đồng/kg (trong khi giá cam Vinh, cam sành Hà Giang vào khoảng 50.000 đồng/kg) loại cam lạ này rất dễ bán.
Theo điều tra của GĐ&XH, loại cam này là cam Trung Quốc, được nhập về qua các tỉnh như: Lào Cai, Lạng Sơn.
“Ngày nào cũng có hàng, lấy số lượng bao nhiêu cũng ít, giá cố định thế rồi. Loại này dân buôn rất ưa chuộng, bởi để được lâu, dù bán trong ngày không hết cũng chẳng sợ héo. Nghe đâu, họ dùng hóa chất bảo quản hay nhuộm màu cho đẹp mã. Mà riêng quá trình vận chuyển từ biên giới về Hà Nội kéo dài thế còn chẳng héo được, lo gì”, một tiểu thương tiết lộ.
Ngay tại chợ Long Biên, phóng viên quan sát thấy các tiểu thương bóc hết nhãn mác Trung Quốc ghi trên các thùng xốp trước khi vận chuyển về. Nhiều người thậm chí vẫn để nguyên, nhưng khi về đến sạp thì bỏ thùng xốp, lập lờ đánh lận con đen. Mà không chỉ có dân buôn hoa quả ở Hà Nội, tiểu thương từ một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… cũng đều đổ về đây nhập loại cam Trung Quốc này. Khi hoàn tất một quy trình từ chợ ra sạp bán cho người tiêu dùng, các chủ sạp đều “gắn mác” cho loại cam Trung Quốc này thành “cam Vinh” đặc sản mà người tiêu dùng không hề hay biết.
Đông dược bảo quản bằng hóa chất độc hại
Không chỉ nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề buôn bán vải, từ nhiều đời nay Ninh Hiệp còn được biết đến như một trung tâm buôn bán và sơ chế đông dược được liệt vào hàng lớn nhất, nhì cả nước. Trước đây, dược liệu được trồng và thu mua chủ yếu ở vùng chùa Hương, chùa Thầy, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… Còn bây giờ, hầu hết chúng được nhập về từ Trung Quốc (TQ).
Tại một cơ sở chế biến dược liệu có tiếng nằm ngay đầu xóm 8, nhóm PV báo Thanh Niên được biết để tìm được những lô nguyên liệu làm thuốc đông dược thuộc loại 1, loại 2 là rất khó. Thay vào đó, các loại cây dược liệu nhập về từ TQ phần lớn là loại 3, loại 4. “Đó là những cây dược liệu non, chưa sinh trưởng đủ ngày để đạt chất lượng nhưng đã cho thu hoạch. Vì vậy khi xuất đi, bên kia họ đã tẩm ướp hương liệu để tránh bị phát hiện”, chủ cơ sở này cho hay. Vẫn theo chủ cơ sở này, trước khi xuất qua biên giới, những hoạt chất quý trong dược liệu đã bị chiết xuất hết. Không những thế, họ còn trà trộn lẫn những dược liệu giả, đặc biệt với những dược liệu quý hiếm như nhân sâm, đông trùng hạ thảo…
Việc phơi và chế biến dược liệu rất mất vệ sinh. |
Sau khi sơ chế, thái lát, người dân sẽ cho phơi khô số nguyên liệu ở bất cứ nơi đâu: ven đường làng, quốc lộ đầy bụi đường, khói xe, hay ven mương nước thải đen ngòm của nhà văn hóa xóm. Tất cả những khoảng không đều được tận dụng, bất chấp tình trạng ô nhiễm bụi bẩn. Khi được hỏi về tình trạng trên, chủ một cơ sở thừa nhận: “Đúng là không vệ sinh, nhưng sau đó thuốc còn phải qua công đoạn xông khô nên chắc vi khuẩn sẽ chết hết!”.
Đáng lưu ý, việc sử dụng lưu huỳnh để sao chế, xông khô, bảo quản đông dược ở Ninh Hiệp đã trở nên rất phổ biến. Chủ một cơ sở kinh doanh đông dược có tiếng ở Ninh Hiệp (đề nghị không nêu tên), tiết lộ nếu chỉ dùng một liều lượng nhỏ lưu huỳnh, các vị thuốc bảo quản được từ 4 - 5 tháng. Nhưng nếu dùng với liều lượng lớn, thuốc để được vài năm mà không bị nấm mốc. “Một cân dược liệu quý có giá vài triệu, trong khi một cân lưu huỳnh chỉ 5.000 đồng. Như thế liệu có chủ cơ sở nào không xông khô quá liều lưu huỳnh để bảo quản dược liệu được đôi năm”, ông chủ này nói.
PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng ở Ninh Hiệp, quá trình sản xuất, sơ chế thuốc đều bằng phương pháp thủ công, trong khi nguyên liệu nhập từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc, nên người dân không thể phát hiện hàm lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu còn tồn dư trong thuốc. Ngoài ra, việc sơ chế thuốc thủ công sẽ tạo điều kiện để các hộ gia đình, cơ sở lạm dụng lưu huỳnh xông khô, bảo quản đông dược được lâu, điều này nguy hiểm vô cùng. “Những trường hợp ngâm thuốc đông dược để uống, hoặc tán nhỏ để dùng sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Vì khi đó khói lưu huỳnh bám trên thuốc do dùng quá liều lượng sẽ trực tiếp đi vào cơ thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, thậm chí gây tử vong”, PGS Thịnh nói.
Còn theo thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền thuộc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, rất khó xác định được nguồn gốc rõ ràng của dược liệu nhập khẩu từ TQ, cũng như không thể đảm bảo khâu kiểm nghiệm dược liệu. Nếu dược liệu bị tẩm quá liều, có nấm mốc... khi dùng sẽ gây nguy cơ tai biến, dị ứng, suy thận, gan, rối loạn tiêu hóa.
K. Minh (tổng hợp)