- Mặc dù hàng loạt các biện pháp giải quyết cảnh tắc đường, ùn ứ tại các cổng trường vào giờ tan học được đưa ra. Thế nhưng, dường như tình trạng không hề được cải thiện…

Đón học sinh tăng, căng ách tắc

Tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A nằm ngay mặt đường Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày nào cũng vậy, vào giờ đi học sáng và giờ tan học chiều là người dân lưu thông qua đây lại gặp cảnh ùn ứ, tắc đường.

{keywords}
Phụ huynh đón con gây tắc đường trên phố Nguyễn Quý Đức.

Một đoạn đường ngắn chỉ có 600m nhưng có tới 3 trường học nên việc phụ huynh đến đón con đều “choán” ra lòng đường, thậm chí “chình ình” ở cổng trường và khu vực xung quanh.

Chị Lê Thu M., có con học tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn A phân bua: “Chiều nào đón con tôi cũng phải loay hoay tìm chỗ đứng để cho con có thể nhìn thấy. Không đứng dưới đường thì biết đứng đâu? Chỗ nào cũng kẹt, chật cứng phụ huynh rồi”.

Còn anh Thái Ngọc T. chia sẻ: “Do không có chỗ đỗ xe để chờ đón con nên tôi buộc phải đứng dưới lòng đường. Tôi đưa đón cháu mấy năm nay đều đứng như thế”.

{keywords}
 

 

{keywords}
Không chỉ xe máy mà xe hơi cũng nối đuôi nhau đưa đón học sinh trước trường Việt Nam – Angieri gây ách tắc giao thông (ảnh chụp 16h30 phút ngày 18/10)

Để giải quyết tình trạng trên, cách đây không lâu, Sở GTVT Hà Nội đã cho cắm biển cấm dừng đỗ trước một số cổng trường, cử các cán bộ giao thông tuần tra liên tục trên các tuyến phố có trường học để nhắc nhở.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ được coi là giải pháp tạm thời khi giao thông Hà Nội ngày càng trở nên phức tạp. Bởi, nếu không cho phụ huynh đứng ở cổng trường để đón con, họ cũng không biết đứng đâu?!

Có được phép phạt?

Đưa ra bàn luận vấn đề này trên các diễn đàn dành cho phụ huynh, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến về việc có nên hay không nên xử phạt viêc phụ huynh đón con gây mất trật tự, ách tắc giao thông. Đồng thời hiến kế để việc đón con “dễ thở” hơn.

{keywords}
Cảnh hỗn loạn ngay trước cổng trường Đặng Trần Côn A, Thanh Xuân, Hà Nội

Theo độc giả Nguyễn Kim thì: “Nên điều chỉnh giờ tan trường vì hiện nay, đa số các trường cho học sinh bán trú ra về lúc 16g30, trùng giờ cao điểm nên gây tình trạng ùn tắc giao thông. 

Trong khi thời gian nghỉ trưa tại trường của học sinh bán trú lại quá dài, thường nghỉ từ 11g đến 14g mới học lại buổi chiều. Các hiệu trưởng có thể điều chỉnh thời gian cho học sinh nghỉ ngơi và ăn trưa 1 tiếng đồng hồ, sau đó cho học lại đến 14g30 tan trường”.

Còn độc giả Nguyễn Quốc Thắng cho hay: “Theo tôi nên phạt những phụ huynh gây cản trở giao thông giờ tan học. Dù biết nhiều trường không có sân bãi hoặc sân bãi nhỏ không đủ cho phụ huynh đón con em đi học về, nhưng đâu phải như vậy mà đứng tràn ra đường gây kẹt xe? 

Nếu xảy ra tai nạn giao thông thì đổ lỗi cho ai? Theo tôi CSGT nên phối hợp với công an quận, phường xã để xử phạt những phụ huynh vi phạm”.

{keywords}
Phụ huynh chiếm luôn vỉa hè làm nơi đón con.

Cho các khối lớp tan trường theo thứ tự là ý kiến của độc giả Nguyễn Minh. Theo anh, các trường không nên cho các khối lớp ra về cùng một thời điểm mà nên theo thứ tự, cách nhau từ 5-10 phút, đồng thời thông báo cho các phụ huynh biết.

Bên cạnh đó, cần kết hợp với công an, tự vệ của phường để hỗ trợ thêm trong việc phân luồng giao thông tại cổng trường.

Tắc đường là do một số phụ huynh thiếu ý thức, đứng lộn xộn, chen lấn muốn đón con trước. Nếu ai cũng có ý thức thì mọi việc đều ổn.

Chia sẻ về thực trạng này, cô Nguyễn Thị Tuyết Nga – Hiệu trưởng trường tiểu học Quang Trung cho biết: “Việc đưa đón các em đều do phụ huynh phụ trách nên vào giờ tan học thường xảy ra tình trạng kẹt xe. Khá nhiều phụ huynh dùng xe ô tô đưa đón nhưng không đúng nơi quy định.

Trong khi đó, nhà trường không có chức năng xử phạt mà chỉ nhắc nhở học sinh và phụ huynh về việc chấp hành quy định trong việc dừng, đỗ xe. 

Việc đậu xe dàn hàng ngang, lấn chiếm vỉa hè, lề đường không chỉ vi phạm an toàn giao thông mà còn làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến an ninh trật tự trước cổng trường”.

Giải pháp nào?

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, giải pháp được nhiều trường quan tâm nhất đó là mở cổng trường cho phụ huynh vào đón con.

Mở cổng trường được coi là giải pháp an toàn, tiết kiệm thời gian công sức và giải quyết bài toán ách tắc cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn còn tồn tại tâm lý ngại thử nghiệm và áp dụng. 

Khi được hỏi về vấn đề này thì hầu hết giáo viên cũng cho hay, việc mở cổng trường sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường học tập, vui chơi của các cháu. Việc phụ huynh vào sẽ gây mật trật tự và ảnh hưởng đến môi trường sư phạm.

Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa là một trong số những trường đầu tiên thực hiện việc mở cổng trường cho phụ huynh vào đón con. Trước đây, trước cổng trường này luôn trong tình trạng ùn ứ kéo dài hàng tiếng đồng hồ do phụ huynh đứng chờ đón con. Nay tình trạng trên không còn nữa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Hiệu phó Trường Tiểu học Kim Liên cho hay: “Việc mở cổng trường nhận được nhiều ý kiến tán thành của phụ huynh. Khi họ được vào tận sân trường chờ con, họ rất yên tâm. Không phải đứng chờ ngoài đường và không gây ùn tắc”.

Mới đây, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho hay, giải pháp mở cổng trường cho phụ huynh vào đang mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm và chưa có tổng kết, đánh giá cụ thể về mô hình này.

Hạnh Thuý