Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tại thời điểm bùng phát dịch COVID-19, số lượt thăm khám tại các cơ sở y tế giảm 80% so với trước khi có dịch do những lo ngại về lây nhiễm, do các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh nhu cầu cần chuyển đổi số y tế nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, cải thiện tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng, nâng cao năng lực quản trị và hiệu suất.
Việt Nam hiện có hơn 11.000 Trạm Y tế với năng lực chẩn đoán và điều trị còn hạn chế và chưa được kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Làm thế nào để các nhóm dễ bị tổn thương, người dân vùng sâu vùng xa không phải chi phí tốn kém do điều kiện đi lại khó khăn và dễ tiếp cận với dịch vụ y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh là điều cần thiết.
Hiện ngành Y tế đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Các chính sách và quy định chính được thể hiện ở Chương trình chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/06/2020); Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 5316/2020/QĐ-BYT ngày 22/12/2020); Thông tư 49/2017/TT-BYT về y tế từ xa ngày 28/12/2017; Chương trình y tế từ xa giai đoạn 2020-2025 (Quyết định 2628/2020/QĐ-BYT ngày 22/06/2020); Các tiêu chí CNTT của y tế từ xa (Quyết định 28/2021/QĐ-BYT ngày 05/01/2021); Kế hoạch triển khai nền tảng y tế từ xa quốc gia Vtelehealth năm 2023 (Quyết định 823/2023/QĐ-BYT ngày 15/02/2023); Luật Khám chữa bệnh sửa đổi 2023 (Luật số 15/2023/QH15).
Mới đây, Bộ Y tế đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”. Chương trình nhằm mục đích cải thiện tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
"Bác sĩ cho mọi nhà" được triển khai từ năm 2020. Quá trình thực hiện đến nay đã qua hai giai đoạn: phát triển phần mềm và thử nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn từ năm 2021 đến năm 2022. Dựa trên những kết quả tích cực và bài học từ giai đoạn ban đầu này, giai đoạn 2 được thực hiện tại 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau.
"Bác sĩ cho mọi nhà" là cầu nối cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đơn vị y tế tại tuyến huyện và các tuyến trên, giúp công tác tư vấn, hướng dẫn điều trị hiệu quả. Từ tháng 11 năm 2022, phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại 5 tỉnh, tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Sáng kiến y tế từ xa này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cán bộ y tế, với 4.900 cán bộ ở cấp tỉnh, huyện và xã được đào tạo để sử dụng ứng dụng "Bác sĩ cho mọi nhà" một cách hiệu quả. Chương trình cũng đạt được những kết quả ấn tượng từ người dân trong cộng đồng, với 755.000 tài khoản cho người dân đã được tạo, khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám đã đặt thông qua hệ thống này tính tới tháng 6 năm 2023.
Cách tiếp cận bền vững trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe này được xây dựng dựa trên đề án trình khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế giai đoạn 2020-2025, đã nhấn mạnh các nguyên tắc quản trị lâm sàng nhằm đảm bảo mọi người nhận được các dịch vụ y tế chất lượng cao và chuyên nghiệp ở cấp độ phù hợp nhất trong hệ thống. Chiến lược này giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới.