Phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đạt được trong 5 năm qua.
Theo Thủ tướng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, nơi mà sự hợp tác, chia sẻ, gắn kết; đó còn là nét văn hóa đặc sắc không chỉ trong kinh tế, mà cả trong chính trị - xã hội, là “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của người sản xuất nhỏ”.
Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu hướng tất yếu trong hội nhập, mở cửa; là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh:VGP) |
Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2020, Việt Nam có 26.040 hợp tác xã, tăng 5.625 hợp tác xã so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 3,6%/năm.
Số lượng thành viên lên tới 8,1 triệu, bao gồm đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số; số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị tăng 6,8 lần so với năm 2015.
Nhiều HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, điển hình như: HTX Lâm nghiệp công nghệ cao (tỉnh Phú Yên), HTX nông nghiệp Phước Tín (Quảng Ngãi), HTX bò sữa Tân Thông Hội (TP.HCM), HTX Anh Đào (Lâm Đồng), HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), Liên hiệp HTX vận tải xe buýt TP.HCM,...và hàng nghìn HTX nông nghiệp, thương mại, vận tải, môi trường, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã.
Hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách và điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn; khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, thiếu nguồn lực hỗ trợ thành viên.
Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. (Ảnh:VGP) |
Để phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới, Thủ tướng chỉ đạo, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, và địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị để khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình h, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, uỷ thác; kịp thời tháo gỡ những khó khăn của HTX, phù hợp với cơ chế thị trường; hỗ trợ, nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng,...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.
Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trong quản lý hợp tác xã; từng bước quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh và thích nghi với thay đổi của thị trường; đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ.
Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị hợp tác xã, đặc biệt là người đứng đầu hợp tác xã không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng của một doanh nhân, mà còn phải có một trái tim cống hiến cho cộng đồng. Hợp tác xã kiểu mới là một thiết chế kinh tế tiến bộ, tạo ra lợi ích, nâng cao thu nhập, lấy lợi ích của thành viên làm trung tâm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thu hút thành viên, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương.
Xây dựng quy hoạch sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chủ lực cấp quốc gia, vùng, địa phương gắn với doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, hệ thống Logistics và siêu thị.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, kinh nghiệm, khoa học và công nghệ từ các tổ chức quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Duy Anh