Không chỉ có mỗi du lịch
Phú Quốc được biết đến là một “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, nhưng trong tương lai gần, thành phố đảo không chỉ mãi chỉ là một “điểm đến” mà phải trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Kiên Giang cũng xác định mục tiêu xây dựng TP. Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Với vị thế là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân. Với mức dân số tăng gấp 3 lần hiện tại, Đảo ngọc tương lai sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.
Với quy mô, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa, gia tăng dân cư có thể sẽ vượt ra khỏi những tư duy dự báo, Phú Quốc đang gặp nhiều thách thức. PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi cảnh báo, Phú Quốc là một viên ngọc và ngọc thì càng mài càng sáng, tuy nhiên nếu mài không cẩn thận, ngọc cũng sẽ "tối", không phát huy được giá trị vốn có. Đặc biệt, vấn đề nước là vấn đề cần quan tâm tại Phú Quốc, không nên biến đảo Ngọc thành đảo ngập.
“Cần đặt ra tư duy cho các nhà làm quy hoạch, không xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng”, ông Hồi nói.
PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam, chia sẻ quan điểm, Phú Quốc có diện tích ngang với Singapore nhưng quỹ tài nguyên rất giới hạn, đặc biệt là tài nguyên đất. Làm sao để khai thác quỹ đất được hiệu quả là vấn đề cần đặt ra, nếu không, về lâu dài sẽ đánh mất đi khả năng khai thác phát triển Phú Quốc trong tương lai.
TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trường Đại học Xây dựng, nhận xét Phú Quốc đang dần đánh mất đi những nét đặc thù riêng và trở nên giống với đa số các khu du lịch khác. Ông Tùng cho rằng, nếu như một đô thị chỉ phát triển thuần du lịch thì rất mong manh, đại dịch đã chứng minh điều đó. Ví như Đà Nẵng là thành phố thuần du lịch, sau tác động của đại dịch gần như tê liệt, xơ xác. Đó là thực tế rất đau lòng.
Các đô thị du lịch Việt Nam chưa nhắc nhiều đến hạ tầng bệnh viện, trạm y tế, chăm sóc sức khỏe. Hệ thống chăm sóc sức khỏe rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch, nhất là thực tế dịch chồng dịch như hiện nay. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe giờ đây ngày càng lớn hơn.
Trung tâm mua sắm hiện nay theo xu hướng quốc tế hóa nhưng cũng cần có khu mua sắm phổ thông, dành cho những người thu nhập trung bình phổ biến trong xã hội. Khi có khủng hoảng trong khu đô thị, trung tâm mua sắm này sẽ đáp ứng được cho đa số dân. Khu công viên cây xanh, vườn hoa cũng phải kế cận và đáp ứng nhu cầu vận động, thư giãn của người dân.
Ông Tùng kiến nghị, mô hình phát triển của Phú Quốc không nên chỉ gói gọn là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà phải là thành phố định cư đúng nghĩa, một đô thị hoàn chỉnh, có hoạt động sống, phát triển kinh tế… Khi phát triển đô thị là trọng tâm thì Phú Quốc phải là một cơ thể hoàn chỉnh chứ không chỉ có du lịch.
Định hướng tương lai
Bàn về giải pháp phát triển Phú Quốc, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, nên lấy điểm mạnh của Phú Quốc là nơi còn nguyên môi trường, đảm bảo như viện bảo tàng môi trường. Có thể xây dựng một thành phố sử dụng toàn năng lượng tái tạo tại chỗ để sản xuất điện, điện từ gió biển, từ thủy triều, từ sóng biển. Giao thông chỉ sử dụng xe chạy động cơ điện. Các bất động sản nhà ở hay du lịch đều tuân thủ tiêu chuẩn đô thị “xanh”.
Hướng người dân địa phương phát triển các công trình, môi trường xanh - mô tả được đây là hòn đảo môi trường sạch điển hình trên thế giới. Theo ông Võ, đầu tiên nên làm như vậy mới kéo giá trị gia tăng của du lịch, rồi mới tính đến bước phát triển các khu đô thị hiện đại. Đây chính là điểm độc và lạ của TP. Phú Quốc thu hút nhiều du khách nước ngoài.
Để phát triển, Phú Quốc cần những chính sách, cơ chế đặc thù, lấy hội nhập khu vực và quốc tế làm cơ sở. Phú Quốc cần được phép áp dụng những chính sách riêng về đất đai và tìm vốn đầu tư.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, lưu ý, việc phát triển Phú Quốc thành trung tâm tài chính phải nhằm phục vụ các hoạt động tài chính, bằng việc phát triển du lịch, công nghệ giải trí, nghiên cứu khoa học, cần xây dựng hạ tầng, các tuyến đường, hệ thống Internet tốt nhất. Bên cạnh đó, Phú Quốc cần có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển, ngoài công nghiệp, du lịch, giải trí cần phải cụ thể hóa, phát triển thương mại, logistics, phục vụ cơ sở hạ tầng biển.
“Cần có quy hoạch ổn định 40-50 năm và trở thành đường hướng để việc đầu tư phát triển đi theo hướng đó. Việc phát triển đô thị, đầu tư bất động sản trở thành mục tiêu quan trọng nhưng cần phù hợp với sự phát triển trong dài hạn của thành phố thông minh và công nghệ cao”, ông Thịnh nói.
Khách đến Phú Quốc đang tăng cao nên các hãng bay nội địa ồ ạt tăng tải, khôi phục hoặc mở thêm đường bay mới tới đảo Ngọc. Sân bay Phú Quốc đang tiếp nhận khoảng 40 chuyến/ngày.