Sau cơn mưa, quả thật đôi lúc xuất hiện cầu vồng rực rỡ, đẹp đẽ, mê hoặc. Nhưng cái thể loại sặc sỡ trên cao đó, đã mấy người trần mắt thịt nắm được nó trong tay mà biết tròn méo ngon dở thế nào!
Có một bài thơ đã mạnh dạn “phang” hẳn một câu thẳng thừng mà các chị em đang có gia đình nghe xong bỗng thấy mình bàng hoàng, xốn xang và mơ mộng ít nhiều, bởi da diết quá một lời mê đắm “Xa một ngày bằng triệu mùa đông. Em bỏ chồng về ở với tôi không?”. Đã bao lâu rồi, người đàn ông bên ta chẳng hề ngó ngàng gì tới những tính từ kiểu “nhớ nhung”, “mong ngóng”?Đàn bà vốn yêu bằng tai, mà một mối quan hệ vợ chồng “thâm niên” lại trở nên hiếm hoi những lời nồng đượm, chỉ còn thường trực những dặn dò, cãi cọ, bực bõ… Nghe lời rủ rê bỗng len lén manh nha ý nghĩ tháo cũi sổ lồng, làm hẳn một cuộc đột phá hoành tráng trong tâm tưởng. Thế nhưng…
1. Cơm trưa ở căng tin, chị Hiên kể với đồng nghiệp về cuộc sống chung bên chồng đầy ấm ức: bố chồng già lẫn, la hét quậy phá hàng đêm, chồng thì hay đi nhậu sau giờ làm việc. Mọi người nghe xong cảm thán, có chị kết luận, sống như thế sao mà chịu nổi, nên tính đường khác… Nhưng, chị Hiên khiến tất cả chưng hửng khi bảo, ừ thì cố một chút, cũng qua thôi. Chứ có gia đình rồi, người ta không gặp cảnh này thì cũng phải chấp nhận cảnh khác…
Mọi người ngạc nhiên cũng phải, vì chị Hiên từng là người cổ xúy mạnh mẽ cho việc “có chồng phải ra chồng, không thì ở vậy cho xong”. Hồi đó chị hay ca thán không tiếc lời về gia đình chồng chẳng mấy biết điều, coi dâu như con ở, rồi bạo miệng tuyên bố: chồng mà… cà chớn là chị bỏ ngay!
Nhưng đó là câu chuyện của vài năm về trước, khi chị Hiên còn trẻ, cuộc sống đơn giản một chiều. Chị chưa có con, chưa nếm trải nhiều được-mất trong đời. Chồng là khái niệm để… thủ, để đối phó, để coi chừng xem hắn có lừa dối, phỉnh gạt gì mình hay không. Bây giờ, chồng vẫn chưa được xếp vào diện đồng minh của chị Hiên, nhưng cũng không phải “người ngoài”. Đó là ba của hai đứa con chị, là người đàn ông chờ chị ở bến xe buổi khuya lúc chị đi công tác xa về, sợ đường vắng vẻ, là người thi thoảng sẵn sàng về nhà sớm coi con để chị có một buổi vui chơi bên bạn bè cho khuây khỏa.
Xấu tốt thế nào thì đó cũng là người lúc đêm hôm trái gió trở trời ở cận kề bên chị. Những điều đơn giản ấy, phải kinh qua một mớ trải nghiệm, nếm thêm một ít buồn vui ở đời rồi, người ta mới ngỡ ngàng mà thấu hiểu. Nhất là sau một trận say nắng âm thầm chỉ riêng mình biết, chị Hiên rút ra bài học khá đắt là, hóa ra chồng mình vẫn còn tốt hơn hẳn khối gã đàn ông “đĩ miệng” ngoài đường, chỉ được cái dẻo mồm chứ thật tâm đểu giả, chẳng ra sao!
2. Có anh chàng vừa bị vợ bỏ ngậm ngùi chia sẻ, bấy lâu vợ vẫn hay càm ràm về một số “tánh kỳ” của anh, hy vọng anh có thể vì gia đình mà thay đổi ít nhiều. Nhưng, anh toàn nghe xong để đó, cũng có lúc hứa hẹn chấm dứt việc cá độ, nhậu về quờ quạng “thả dê”, hay quên đón con, mặc kệ nội ngoại cho vợ chăm sóc..., rồi đâu vẫn hoàn đó. Cứ tưởng “sống lâu trong cái khổ, vợ quen rồi”, không còn bức xúc gì nữa. Thế mà, vừa đợi cho đứa con nhỏ vào đại học là vợ cương quyết ly hôn, khiến anh chưng hửng. Ai ngờ vợ anh “dám nghĩ dám làm” tới mức đó!
Chừng tuổi này rồi, không vợ lại chẳng có con cái ở gần, nhà cửa chia ra, sống cảnh thuê trọ, bạn bè vất vơ lúc này lúc khác, anh bỗng cay đắng nhận ra bản thân mình tay trắng. Thế nhưng, vợ anh bỏ chồng không phải để “ở” với ai khác, mà chỉ đơn giản là chị muốn sống đoạn đời còn lại theo ý mình, tự do tự tại. Hỏi sao không “đá” tiếp một hiệp nữa, chị cười trả lời: đã đủ ngán lắm rồi.
Đàn ông bây giờ họ cũng… toan tính dữ lắm, mấy ai vì một chữ tình mà dám dấn thân. Gái đã qua một lửa thì phải còn trẻ đẹp, xài được (cụ thể là có thể sinh nở, đi làm kiếm tiền, chí ít là biết làm việc nhà!) chứ mấy bà hết thời như chị, ai mà thèm rước. Nên chắc cái câu… dụ dỗ “em bỏ chồng về ở với tôi không?” chỉ dành cho các em lấy chồng sớm hoặc các nàng gái một con mặn mà xiêm áo, lại thêm nhà chồng khá giả sẽ giành quyền nuôi con cho nàng khỏi vướng bận sau khi ly hôn đây mà!
Qua một tập, người ta sẽ tràn đầy kinh nghiệm của con cá trong lờ đỏ lơ con mắt, nên ít nhất cũng phải nghỉ ngơi lâu lắm mới cân bằng và tỉnh táo, tự tin và… liều mạng mà bước tiếp; chứ đâu đơn giản là cuốn gói theo tình mới là xong, như thơ với thẩn kiểu này!
3. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Câu thơ sến sẩm mà trúng phóc này chắc nhiều người biết hơn bài thơ mời gọi kia. Đàn bà, nếu đang chìm đắm trong cuộc hôn nhân dằng dặc, ngày buồn nhiều hơn vui, cảm giác chịu đựng, mỏi mệt, chán chường là chủ đạo, thường dễ chạnh lòng xao xuyến bởi một cái gì đó lấp lánh. Có khi, người ta không đủ mạnh mẽ để mơ một lần bứt phá, nhưng ai cấm mình buông lơi một chút hão huyền lãng mạn cho đời bớt nhạt. Có người nào bị đánh thuế giấc mơ đâu nhỉ!
Nhưng thử thả cho trí tưởng tượng bay bổng thêm chút nữa đi nào. Bỏ chồng về ở với nhau, nếu không đóng góp ngang bằng hoặc… gấp đôi người kia về mặt… nhân sự, tức con cái, thì cũng phải thi thoảng thăm nom, đóng góp tài vật chăm sóc “thành quả” của cuộc hôn nhân trước. Con anh, con em, con chúng ta. Tiền anh, tiền em, tiền chúng ta. Vợ cũ của anh, chồng cũ của em, bà nội con (riêng) em, bà ngoại con (riêng) của anh… đủ để điên cái đầu!
Chưa kể cơm áo gạo tiền hàng ngày mới chính là “nấm mồ chôn tình yêu”, chứ không phải hôn nhân đâu nhé! Về “ở với nhau”, đâu thể cứ hẹn hò nhà hàng - rạp phim - khách sạn đều đều như thuở còn ước ao có được người kia bên mình. Sau cơn mưa, quả thật đôi lúc xuất hiện cầu vồng rực rỡ, đẹp đẽ, mê hoặc. Nhưng cái thể loại sặc sỡ trên cao đó, đã mấy người trần mắt thịt nắm được nó trong tay mà biết tròn méo ngon dở thế nào!
Hãy thực tế hơn, mang lên cân đo đong đếm xem: đối tượng đàn ông nào đang gạ gẫm đàn bà bỏ chồng về ở chung với mình? Người đã hôn nhân tập một, tập hai, thì tìm hiểu coi người vợ cũ của hắn “đã đời” hay “đau đớn” khi chia tay? Một trang nam tử Việt còn "rin", chưa lập gia đình lần nào? Nên xét lại, vì đâu mà có cảnh trai tân kén cá chọn canh tới tận tuổi ấy! Hoặc đối tượng là một cậu em bị vẻ quyến rũ đàn bà của “chị” cuốn hút, khiến cho không cưỡng nổi, buông lời ngon ngọt? Những mối tình lệch pha kiểu đó chỉ nên có trong thơ trong nhạc, chứ hiện diện ngoài đời, khó nói lắm ai ơi!
Xin mượn câu hát của nhạc sĩ Vũ Thành An trong Bài không tên cuối cùng “Nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau” để kết cho bài viết có phần “sự thật mất lòng” này. Cái thực tế đôi lúc trần trụi đến chắc chắn thế, không phải ai cũng thấu hiểu để chuyên tâm vun vén cho hiện tại, mà khá nhiều người lại thích có những khoảnh khắc thả hồn mơ về một kẻ bá vơ mời mọc si tình…
(Theo Hoàng My/Phunuonline)
(*) Thơ của Đồng Đức Bốn