Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV/2023 và năm 2023.
Quy mô nền kinh tế tăng lên 430 tỷ USD
Lãnh đạo ngành thống kê quốc gia đánh giá, mặc dù tăng trưởng GDP cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (6,5%) nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2023 tăng 3,88%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023 và đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82%, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021.
Đáng lưu ý, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng cuối năm diễn ra sôi động góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá tích cực so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%.
Đáng chú ý, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt trên 10,2 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế-xã hội nước ta năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.
Tăng trưởng 2024 sẽ khá hơn 2023
Chia sẻ bên lề buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, đánh giá: Trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm hơn năm trước, ở mức dưới 3%. Chúng ta đạt được tăng trưởng 5,05% là kết quả hết sức tích cực và vẫn là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới.
“Con số GDP theo các quý tăng dần đến cuối năm đã thấy được sự nỗ lực, khó khăn ngay từ đầu năm nhưng chúng ta đã không bỏ cuộc, vẫn quyết tâm với tất cả nội lực và huy động nguồn lực từ bên ngoài, chúng ta đạt được kết quả rất tích cực.
Kết quả thể hiện qua khu vực nông-lâm-nghiệp-thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế khi xuất khẩu lương thực ra bên ngoài, cũng như duy trì kết nối với thế giới qua mặt hàng nông sản như gạo, rau quả… với những con số ấn tượng, chưa từng có”, bà Hương nói.
Cùng với đó, Lãnh đạo ngành thống kê cho hay, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện là con số thật của các tập đoàn lớn quốc tế tin tưởng đầu tư vào Việt Nam với hơn 23 tỷ USD trong năm qua. Đây là mức đầu tư cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Bên cạnh đó, khách du lịch đến nước ta trong năm nay khoảng 12,6 triệu lượt người, vượt mục tiêu ban đầu là 8 triệu và đạt cả mục tiêu thay đổi là 12,5 triệu người. Điều này thể hiện Việt Nam là môi trường hấp dẫn không chỉ với các tập đoàn mà còn của cả người dân trên thế giới.
“Năm 2024 vẫn rất khó khăn, nhưng các tổ chức trong nước và thế giới đều dự báo Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực sẽ có mức tăng trưởng khá hơn năm 2023”. Lý do chúng ta đang có đà tăng, có niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước và thế giới; đây là một trong những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có.