Trên nền tảng OpenSea, nhiều hình ảnh của ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch tập đoàn FLC), bà Nguyễn Phương Hằng được rao bán dưới dạng NFT. Những hình ảnh này đã được đăng tải gần đây, với giá bán từ 0,1-5 ETH (khoảng 340 -17.000 USD), nhưng chưa có ai trả giá.
"Đây là một cách trục lợi, giống như bám theo người nổi tiếng", ông Phạm Toàn Thắng, người sáng lập nền tảng NFT Cổng trời chia sẻ với Zing. Ông Thắng cũng cho rằng đây có thể coi là một hành vi vi phạm bản quyền.
Nhiều nhân vật nổi tiếng được "đúc" NFT
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam ngày 29/3, nhiều hình ảnh của ông được đăng trên OpenSea. Trong đó, ảnh có giá cao nhất lên tới 5 ETH, tương đương gần 17.000 USD.
Ngày 31/3, tài khoản 3B4583 “đúc” NFT có hình bà Phương Hằng với tiêu đề “Phuong Hang CEO” trong ngày 31/3. Hình ảnh này được cắt từ một buổi livestream trước đây của bà Hằng.
NFT hình bà Nguyễn Phương Hằng được bán với giá 5 ETH (khoảng 17.000 USD). |
Hiện tại, hình NFT “Phuong Hang CEO” đang được rao bán với mức giá 5 ETH (khoảng 17.000 USD). Con số này ngang ngửa với giá của hình NFT ông Trịnh Văn Quyết. Ngoài ra, trong phần mô tả, người tạo ra NFT này viết “Phuong Hang CEO makes some funny stories” (Tạm dịch: CEO Phương Hằng tạo ra nhiều câu chuyện cười).
Bên cạnh đó, hàng loạt NFT khác có hình ảnh bà Phương Hằng và cả chồng bà là ông Huỳnh Uy Dũng, hay các phát ngôn của bà Hằng cũng xuất hiện trên nền tảng giao dịch OpenSea. Mức giá của các NFT này dao động từ 0,1-1 ETH.
Thực chất, nhiều hình NFT bà Phương Hằng đã xuất hiện cách đây khoảng 3 tháng trên nền tảng giao dịch OpenSea. Hình NFT của nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng... cũng xuất hiện trên nền tảng này. Trong phần mô tả của những NFT này, chủ sở hữu đều đưa những thông tin chế giễu các nghệ sĩ.
2 hình NFT của nghệ sĩ Hoài Linh và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đều xuất hiện trên nền tảng OpenSea. |
Song, tất cả những hình NFT kể trên, bao gồm cả NFT ông Trịnh Văn Quyết, đều chưa có người mua và cũng không có đề nghị trả giá. Có thể coi những vật phẩm NFT này không có giá trị, chỉ nhằm chế giễu các cá nhân.
Rủi ro sử dụng hình ảnh trái phép
Chia sẻ với Zing, ông Phạm Toàn Thắng, cho biết các hình ảnh NFT nói trên chỉ xuất hiện trên sàn giao dịch quốc tế chưa có quy định về xác thực danh tính (KYC). Do đó, người dùng có thể sử dụng bản quyền hình ảnh trái phép và tạo NFT một cách dễ dàng để thu lợi về mình.
"Sàn giao dịch OpenSea không có KYC đối với người tạo ra NFT. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể tạo được NFT", ông Phạm Toàn Thắng cho biết.
Nhận xét về các quy định bản quyền, ông Thắng cho rằng đây là một hình thức vi phạm bản quyền, khi sử dụng hình ảnh của người khác để thu lợi cho mình.
"Vấn đề sử dụng bản quyền hình ảnh người khác là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, dùng hình ảnh của cá nhân để thu lợi thì cần phải được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền", ông Thắng nhận xét.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng rất khó để kiện cá nhân dùng hình ảnh trái phép trên sàn giao dịch OpenSea vì chưa thể xác minh danh tính.
Nhiều nghệ sĩ lo ngại về việc tác phẩm của mình bị lợi dụng để làm NFT. |
Hiện tại, các vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền NFT vẫn đang gây tranh cãi. Bởi lẽ chúng đều là những hình ảnh kỹ thuật số, không ở dạng hữu hình. Do đó, việc sao chép và sử dụng trái phép diễn ra rất phổ biến và một số sàn giao dịch cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Tại Mỹ, các hành vi sử dụng hình ảnh, tác phẩm, sáng tạo của người khác đều có thể đối mặt với vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền hình ảnh. Theo luật sư Moish Peltz tại công ty luật Falcon Rappaport & Berkman (Mỹ), luật bản quyền cung cấp một số đặc quyền dành riêng cho chủ sở hữu bản quyền của tác phẩm.
Ngoài ra, nếu muốn mượn hình ảnh, người tạo ra NFT sẽ cần sự cho phép của chủ sở hữu và đề nghị chia lợi nhuận.
Trước đó, vào tháng 3/2021, người dùng Corbin Rainbolt đã viết trên Twitter rằng một số bức vẽ của anh bất ngờ xuất hiện trên các nền tảng NFT, nhưng lại được “đúc” bởi người khác.
Chia sẻ về vấn đề này, Collins Belton, người sáng lập của công ty quản lý Brookwood PC cho rằng các nghệ sĩ, người nổi tiếng cần có các biện pháp bảo vệ pháp lý khi tác phẩm của họ bị đánh cắp.
“Có luật bản quyền và sở hữu trí tuệ tiêu chuẩn trong việc tạo NFT. Những người dùng tin rằng tác phẩm của họ đang bị đánh cắp có thể thử gửi thông báo gỡ xuống theo Luật Bản quyền Mỹ (DMCA) để chống lại những người bán các NFT này”, Belton chia với Coindesk.
NFT (non-fungible tokens) là một tài sản kỹ thuật số đại diện cho các đối tượng trong thế giới thực như nghệ thuật, âm nhạc hay vật phẩm trong các trò chơi. Chúng được mua bán trực tuyến trên các sàn giao dịch bằng tiền mã hóa. Tùy thuộc vào mức độ hiếm và nổi bật, giá của nhiều NFT có thể lên tới cả trăm nghìn USD.
Mặc dù đã xuất hiện từ năm 2014, NFT đang ngày càng phổ biến hơn do nhiều công ty thời trang lớn như Adidas, Nike, Gucci cũng tham gia trào lưu này.
(Theo Zing)
Hình NFT ông Trịnh Văn Quyết được bán với giá gần 17.000 USD
Nhiều hình ảnh ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch FLC, được bán dưới dạng NFT trên nền tảng OpenSea với giá hàng nghìn USD.