- Cho rằng cơ quan chức năng đã “tự ý” mổ tử thi khi chưa có sự đồng ý của gia đình, người nhà nạn nhân Vũ Xuân Hùng đang tỏ ra rất bức xúc.

Gia đình chưa đồng ý, cơ quan chức năng đã mổ tử thi?

Khoảng 21h30 ngày 10/5, anh Vũ Xuân Hùng (sinh năm 1978, trú tại xã Đông Thọ, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) gặp tai nạn giao thông (tại số 605 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi va quệt với một xe tải chở sắt mang BKS quân đội và tử vong tại chỗ. Sau khi hoàn tất các thủ tục tại hiện trường, thi thể anh Hùng được công an quận Hai Bà Trưng đưa vào nhà xác Bệnh viện Việt Đức.

Đến 1h sáng ngày 11/5, công an quận đã xác minh được nhân thân và báo cho người nhà nạn nhân. Ngay sau đó bác nạn nhân (hiện ở Hà Nội) đã có mặt để nhận dạng và kết quả cho thấy người tử vong đúng là anh Vũ Xuân Hùng với các thông tin cá nhân như trên. Khoảng 1 tiếng sau (2h sáng), toàn bộ gia đình nội ngoại của anh Hùng đã có mặt tại nhà xác Bệnh viện Việt Đức nhưng phải đến 8h sáng mới có thể làm việc với cơ quan điều tra.

Chiếc xe vận chuyển bệnh nhân này phải đỗ trước cửa nhà xác bệnh viện Việt Đức rất lâu mới có thể chuyển bánh đưa anh Hùng về Thái Bình bởi gia đình và cơ quan chức năng phải giải quyết mâu thuẫn từ 9h sáng đến 13h30 chiều mà vẫn chưa thể "thông nhau" được
Ông Nguyễn Đắc Dưỡng (trú tại xã Đại Lại, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là bố vợ anh Hùng, thuật lại: “Lúc đó tôi được vào trong phòng để xác để chứng kiến việc lau chùi thi thể của cháu Hùng. Sau khi hoàn thành việc lau chùi thi thể, 2 nhân viên ra ngoài, còn lại 4 người (tôi không rõ thành phần 4 người này là gì) và họ yêu cầu phải mổ tử thi để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của cháu Hùng.

Tôi không đồng ý ngay và nói cần bàn với đại gia đình. Nhưng khi gia đình chưa thống nhất bên ngoài thì phía bên trong phòng để xác, 4 người đó đã bắt đầu phanh ngực con rể tôi ra. Thấy vậy tôi la toáng lên thì họ dừng lại và không làm nữa. Ý nguyện của gia đình là không mổ tử thi để giải phẫu, bởi người chết thì cũng đã chết rồi. Nhưng việc làm của bên bệnh viện và cơ quan chức năng gây ra bức xúc cho gia đình tôi”.

Ông Dưỡng cũng nói thêm là sau khi phát hiện thi thể anh Hùng bị mổ, cả gia đình đã bịt kín cửa ra vào để không cho ai trong phòng ra ngoài vì lo “bị mất cắp nội tạng”.

Sự việc trên đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía một số người nhà của anh Hùng, đặc biệt là ông Nguyễn Đắc Dưỡng, bố vợ anh.

Trong khi bố vợ anh Hùng khẳng định gia đình chưa đồng ý nhưng cơ quan chức năng đã mổ thì bố đẻ anh Hùng – ông Vũ Văn Hồng – lại cho biết trên thực tế là ông đã đồng ý để bên pháp y tiến hành mổ tử thi ở một vài điểm (ít nhất có thể), chứ không mổ toàn bộ các bộ phận trên cơ thể.

Rắc rối vì bị kích động?

Trao đổi với VietNamNet về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định: “Bệnh nhân tử vong tại hiện trường, sau đó đưa xác vào nhà xác Bệnh viện Việt Đức. Như vậy, mọi chuyện diễn ra sau đó là chuyện giữa cơ quan điều tra và bên gia đình. Bên mổ tử thi cũng là bên pháp y chứ không phải bác sỹ của bệnh viện”.

Biên bản làm việc giữa gia đình với cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Kiên Công, điều tra viên Công an quận Hai Bà Trưng, là người trực tiếp thụ lý điều tra tai nạn của anh Hùng. Trao đổi với VietNamNet, ông Công khẳng định “ông đã giải thích tất cả thắc mắc của gia đình ngay tại thời điểm xảy ra mâu thuẫn” và bên cơ quan điều tra đã thực hiện đúng nguyên tắc.

Có một vài điểm ông Công muốn “nói lại cho rõ”, tránh trường hợp thông tin một chiều gây ra hiểu lầm.

Thứ nhất: Gia đình thắc mắc “không có nguyện vọng giải phẫu tử thi nhưng tại sao cơ quan điều tra cứ nhất quyết yêu cầu phải thực hiện”. Về điểm này, ông Công nói: “Đây là nguyên tắc khi xảy ra một sự việc khiến một người tử vong. Nếu anh Hùng không chết ngay mà nằm viện 1, 2 ngày mới chết thì chuyện giải phẫu có thể không cần thiết vì cơ quan điều tra sẽ thu thập bệnh án lưu lại tại bệnh viện. Nhưng anh Hùng lại tử vong ngay lập tức, vì thế cần tiến hành giải phẫu để tìm nguyên nhân”.

Theo ông Công, việc tìm ra nguyên nhân cái chết của anh Hùng có liên quan chặt chẽ đến quá trình giải quyết những sự việc về sau, như: bồi thường, có truy tố trách nhiệm hình sự hay không (nếu anh Hùng chết vì lái xe tải lái ẩu thì sự việc lại rẽ sang một hướng khác). Vì thế, để tránh những kiện cáo và rắc rối về sau (thậm chí cả việc phải khai quật tử thi để giải phẫu lại), cơ quan điều tra phải thực hiện biện pháp mổ tử thi.

Hơn nữa, anh Hùng không va quẹt với một đối tượng thông thường mà là va quẹt với xe tải chở sắt của bên quân đội. Vì thế, ông Công cho biết vụ việc này về sau sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra bên quân đội và họ sẽ trực tiếp thụ lý. Nếu không đủ các chứng cứ thì vụ việc có thể sẽ không suôn sẻ.

Do đó ông Công khẳng định cơ quan điều tra (công an quận Hai Bà Trưng) đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ (vả cả trách nhiệm, lương tâm) của mình nên tuyệt đối không thể nói việc mổ tử thi này là việc “có động cơ lấy trộm nội tạng để bán sang Trung Quốc” như nghi ngờ của một vài người trong gia đình.

Thứ hai: Về chuyện gia đình chưa đồng ý đã mổ. Ông Công khẳng định: “Lúc đó người thân anh Hùng có mặt tại đó rất đông, mà toàn ruột thịt cả (như bố mẹ đẻ, cô dì chú bác, vợ con, anh em, v..v…) và không khí khá hỗn loạn. Nếu ai tôi cũng nghe thì tôi không thể làm việc được. Vì thế, tôi chỉ làm việc với một người duy nhất, đó là ông Vũ Văn Hồng, bố đẻ của nạn nhân Hùng. Chính ông ấy đã nói với cơ quan điều tra là “Tôi đẻ ra nó, tôi sẽ quyết định”. Mọi quyết định của ông Hồng đều được chúng tôi tôn trọng”.

Sau khi giải thích nguyên nhân cần mổ tử thi, ông Hồng đã đồng ý là “mổ ít nhất có thể” (và thực tế là chỉ mổ ngực chứ không mổ đầu hay các bộ phận khác). “Ông Hồng cũng từng là công an hình sự suốt bao năm chứ không phải người thường để dễ bị lừa. Nghe chúng tôi nói, ông ấy hiểu ngay sự việc và rất hợp tác”, ông Công thuật lại.

Điểm gây căng thẳng nhất là trong khi bố đẻ đồng ý cho mổ tử thi thì bố vợ nhất quyết không chịu (thậm chí bố vợ còn “đề nghị” bố đẻ “ủy quyền” quyết định toàn bộ sự việc cho mình, bởi con là con chung). Đây cũng là điểm khiến bầu không khí giữa các bên trở nên căng thẳng nhưng ông Công vẫn giữ vững quan điểm “chỉ nghe ý kiến ông Hồng”, là bố đẻ nạn nhân.

“Quyết định mổ tử thi không phải cứ muốn là làm, có khi không muốn mà vẫn phải làm trong những trường hợp cần thiết. Quyết định của chúng tôi được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan và tiến hành đúng quy trình, quy định”, ông Công nói.

Cũng liên quan đến vụ việc, trả lời báo Vietnam Plus chiều 11/5, bác sỹ Phạm Kim Bình, Trưởng khoa giải phẫu bệnh – Bệnh viện Việt Đức cũng đánh giá vụ việc này được làm “đúng luật” bởi “không ai có quyền tự nhiên mà nhảy vào làm cả”.

Còn trao đổi với VietNamNet chiều 11/5, ông Vũ Văn Hồng, bố đẻ nạn nhân Vũ Xuân Hùng, cũng khẳng định “ông đồng ý cho mổ ít nhất có thể” và khi ông kiểm tra lại thân thể của con thì “nội tạng vẫn còn nguyên”.

Kết quả mổ tử thi cho thấy anh Hùng bị nát gan, đứt cuống tim, toàn bộ nội tạng bị dập nát. Trên thực tế, khi va quẹt, anh Hùng bị cả 2 bánh sau của xe tải chèn ngang qua ngực.

Cẩm Quyên