Ngày trước, mẹ tôi chỉ gọi thứ gió này là gió Nam chứ không nghe nói đến một tên nào khác: Để chờ Nam lên rồi vãi vừng con ạ; Chờ ít bữa có Nam hãy nhổ lạc đỡ công phơi phóng; Đợi mấy trộ gió Nam thổi cạn, khảo giếng đỡ múc nhiều nước; Hôm qua có một trận Nam cào thật khiếp…
Nghe Đài khí tượng báo rằng, năm nay có hiện tượng El Nino nên sẽ nóng hơn, gió thổi to hơn. Đối với tôi, chỉ có một mùa Nam nóng giống nhau lặp lại hàng năm, “thổi rạc bờ tre”, chìm sâu trong kí ức với bao kỉ niệm chẳng bao giờ quên được.
Gió Lào quê tôi đã đi vào thơ văn. Ông Nguyễn Tuân mô tả: Cái gió nóng khiến cho con đực không muốn gần con cái; Nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì viết: “Ôi gió Lào thổi cong sông Lam”; Hoàng Đình Hòa, bạn học thời đại học của tôi mới tháng trước đây cũng có câu thơ khá điển hình: “Gió thổi cong cả đáy ao sau làng”…
Gió nóng thế, khiếp thế mà sao dân Nghệ tôi cứ gần gũi nó, nhớ nó… Chẳng thấy ghét bỏ gì. E cũng vì gió đã gắn với “quê mình” thì sao bỏ được!
“Thương quê mình xứ Nghệ miền Trung đất khô cằn”
“Đi xa càng nhớ về, khổ đau càng muốn về”…
Sáng qua, đang ngồi chuyện trò với một bạn vốn là một trò cũ, anh ta tâm sự: “Xa quê lâu lắm rồi, nhớ quá Thầy ạ!”. Lời tâm tình trùng với lời một câu hát khiến tôi tự nhiên xao động, vội vào Google tìm nghe nghệ sĩ Hồng Năm hát bài “Thương về xứ Nghệ” rồi ngồi ngẩn ngơ, mắt cay xè, nghĩ về bạn bè đang xa quê sống ở những vùng đất dù “đáng sống” đến mấy cũng thiếu mất hai chữ "quê hương" mà khi vào tuổi hoàng hôn người ta thường da diết nhớ…
Quê tôi là vùng chiêm trũng, nhưng ngày trước, khi chưa có hệ thống mương máng dẫn nước sông La về, đến mùa gió Nam ruộng đồng khô cạn, nứt nẻ lọt cả bàn chân. Lũ trẻ chúng tôi thường chọn thửa ruộng to, gốc rạ được cắt sát hơn để làm sân đá bóng.
Quả bóng chỉ là tấm vải rách cuộn trong đó một mớ lá chuối khô rồi dùng dây chằng, bó lại. Vậy mà nhiều hôm cả lũ dưới nắng chiều cứ thi nhau quyết đấu cho đến khi khát khô khốc họng mới chịu giải lao chạy vào cái giếng bên đàng quan đầu làng tranh nhau vục nước uống. Thuở ấy sao mà chúng tôi ham chơi đến vậy.
Nghèo quá, thiếu quá nên đói khát cả trò chơi thì phải. Một lần tôi và thằng bạn trong xóm vì có nhiệm vụ bồng em không biết tính sao bèn rủ nhau ra cánh đồng trước làng bê những tảng đất cày ải quây lại thành cái chuồng đủ để nhốt em vào đó rồi cùng lũ bạn chia quân đánh trận giả. Vũ khí đủ mọi hình thù được mô phỏng theo sách đều do 2 đội quân tự tạo.
Thanh long đao của Quan Vân Trường là bẹ chuối to được cắt thành hình cái đao buộc chặt vào một đoạn ống nứa làm cán. Bát xà mâu của Trương Dực Đức cũng được trau chuốt thành hình ngoắt ngoéo ở đầu cho thật giống.
Giáo của Triệu Tử Long, kiếm của Hứa Chử… thì quá đơn giản rồi. Hai bên dàn quân xông trận đánh nhau quên hết nắng gió. Bên nào thua trận bị bắt làm tù binh thì “viên đại tướng” cũng biết ngẩng cao đầu mà thét: “Đại trượng phu được chết nơi chiến trường da ngựa bọc thây còn có gì ân hận nữa. Cứ chặt đầu đi. Ta quyết không hàng phục!”.
Chỉ tội 2 đứa em chơi chán trong cái chuồng đất, khóc ngất vì 2 thằng anh còn mải làm tướng, cháy đỏ như gấc dưới ánh nắng tháng năm thiêu đốt giữa cánh đồng trơ trọi.
Mùa hè với lũ trẻ chúng tôi là mùa vui chơi, mùa nghịch quậy đủ tất tật các trò. Và gắn với nơi nào cũng gió. Gió Nam thổi rất sớm và cũng dừng rất muộn.
Nhiều đêm đã khuya, dưới trăng vẫn thấy những rặng tre oằn mình bẻ cong xuống sát đất. Những bụi chuối giữa hè lá rách te tua trông thật tội nghiệp. Có người nói rằng, gió nóng miền Trung là gió dữ.
Có lẽ dữ hay lành còn tùy ở con người đối xử với nó. Mẹ tôi nói: Mùa này được cái thích là đố có thứ gì mốc hỏng được. Đỗ, lạc trong chum cứ khô giòn như trên nồi rang, quần áo lúc nào cũng thơm mùi nắng.
Chỉ khổ nỗi chiếc khăn mặt cũ vắt ở sợi dây trước nhà dùng lau cho em nhỏ bị gió thổi khô cứng như một tấm mo cau có gai, đụng vào người đau điếng. Chiếc khăn ấy cầm một góc có thể dựng đứng lên như chiếc bìa các-tông trên tay.
Gió thổi phờ phạc cả mặt mày. Gió làm rạp khô những bụi cây bờ cỏ trong tháng nắng kéo dài không một hạt mưa. Nhiều ao sâu hết nước, gió thổi cong cả lớp bùn đáy ao khiến những con lươn, con chạch cuối cùng cũng phải trườn lên chịu chết.
Loài đỉa thì chui sâu xuống lòng đất tránh nóng. Nắng gió đến vậy mà người dân quê tôi vẫn muôn đời nay còng lưng cày cuốc. Cày cuốc trong nhọc nhằn. Cày cuốc và chờ đợi…
Tôi về quê và lại đi qua cánh đồng ù ù gió Nam thổi rát. Những đống rạ được người nông dân gom lại thành một lớp dày trải trên mặt đất để đốt làm tro bón ruộng.
Ngọn lửa trong nắng chiều được gió Nam thổi lộng vào bùng lên dữ dội. Họ bình tâm đốt lửa và dường như không chút sợ hãi gì những cơn gió nóng đang thúc ngọn lửa lồng lên giữa cánh đồng bát ngát...
Giữa đỉnh gió Lào 2023.
Nguyễn Trung Ngọc