Anh Phạm Quang Tuân, 40 tuổi đến khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, BV 108 khám do có khối u lớn ở giữa mông, kèm đau đớn, tê bì.

Anh Tuân chia sẻ, cách đây khoảng 3 năm, anh bắt đầu bị rối loạn đại tiện, đau vùng cùng cụt âm ỉ. Anh đã đi khám tại nhiều nơi nhưng không ra bệnh, dùng nhiều thuốc nhuận tràng song bệnh không cải thiện, thường 3-4 ngày anh mới đi đại tiện được, mỗi lần kéo dài nửa tiếng.

Đáng lưu ý, càng ngày, vùng đau càng mở rộng, sau đó thấy khối u xuất hiện, to rất nhanh khiến anh phải cúi người ra trước mỗi khi ngồi, đi lại cũng hạn chế.

{keywords}
Khối u to "mọc" ở xương cụt khiến anh Tuân không thể nằm ngửa hay ngồi thẳng


1 năm trở lại đây, khối u chèn ép khiến vùng mông anh biến dạng, đau đớn. Anh cũng không thể ngồi thẳng hay nằm ngửa như người bình thường.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh u nguyên sống (Chordoma) khổng lồ vùng cùng cụt với kích thước lên tới 20x15x14cm.

BS Nguyễn Duy Thụy, khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống cho biết, khối u đã “ăn” ra phía trước xương cùng, đè đẩy rất nhiều vào bóng trực tràng và bàng quang.

Đây là trường hợp u xương cụt có kích thước lớn nhất từ trước đến nay tại BV 108 và là bệnh nhân thứ 10 của khoa.

Bác sĩ tiên lượng bệnh nhân phải nằm viện 3-6 tuần sau mổ do vào viện khi khối u quá lớn, đã có biến chứng, chèn ép mức độ nặng, phẫu thuật nhiều khó khăn, nguy cơ nhiễm trùng, tụ dịch vết mổ cao.

Tuy nhiên, ekip phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa phẫu thuật cột sống và khoa vi phẫu thuật đã phối hợp cắt bỏ toàn bộ u xương thành một khối để tránh lây nhiễm tế bào u ra vết vết mổ, hạn chế khả năng u tái phát tại chỗ.

Do việc lấy khối u chỉ thông qua một đường mổ vùng mông hình Mercedes rồi xoay vạt cơ mông lớn một bên che phủ ổ khuyết nên bệnh nhân hồi phục nhanh, sau 5 ngày đã đi lại được và sau mổ 2 tuần, bệnh nhân được ra viện.

Hiện tại sau mổ 1 tháng, anh Tuân đã có thể ngồi thẳng trong vài tiếng đồng hồ, ngồi lái xe thoải mái. Chức năng đại tiện – tiểu tiện hồi phục tốt.

Theo BS Thụy, u nguyên sống là bệnh lý ác tính thấp, tiến triển chậm, thường xuất hiện ở nam giới, độ tuổi từ 40-60.

Hình ảnh đặc trưng của u nguyên sống trên phim cắt lớp vi tính là u phát triển tại chính giữa xương cùng.

Tuy nhiên triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Phần lớn bệnh nhân vào viện khi u đã lớn nên phẫu thuật gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra tai biến, biến chứng.

Cho đến nay, phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu với bệnh liý u nguyên sống. Các phương pháp hóa trị và xạ trị ít có hiệu quả.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh