Hà Giang nằm ở cực Bắc của tổ quốc không có lợi thế về vùng đất cũng như thổ nhưỡng, do địa hình đồi núi dốc, lại khô cằn; vùng đồi núi thấp hay sạt lởm, người dân tộc chiếm số đông…. Nhưng Hà Giang có những đặc trưng về cảnh quan, về văn hóa, con người và kiến trúc nên từ lâu vùng cao nguyên đá này đã nổi tiếng là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch.
Hệ thống đường giao thông của tỉnh đã khá hoàn chỉnh. Hiện nay 100% số xã trong toàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, hầu hết các thôn bản đều có đường bê tông liên thôn. Quốc lộ số 2 là tuyến đường huyết mạch chạy từ Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ đến Thủ đô Hà Nội với chiều dài trên 340 km. Ngoài tuyến đường trên, các tuyến đường nội địa khác được khai thông nối liền với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc.
Trong những năm qua, Hà Giang đang nỗ lực thực hiện Quyết định số 147/QĐ - TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, ngày 16/2/2022 tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND phát triển sản phẩm du lịch guiai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của là xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của Hà Giang nhằm kích cầu thu hút đầu tư vào sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng du lịch tỉnh, thúc đẩy thị trường khách trung và cao cấp, thị trường khách tiềm năng đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước.
Đến năm 2025, có 30 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, đón khoảng 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34 % GRDP của tỉnh.
Và đến năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia, đón trên 5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 20.600 tỷ đồng đóng góp 14,34 % GRDP của tỉnh.
Để sớm đạt được mục tiêu đó, Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp. Đây là vùng đồi núi thung lũng ven Sông Lô – là vùng kinh tế động lực của Tỉnh, gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, với các địa danh: Khu di tích lịch sử cách mạng Trọng Con, Căng Bắc Mê, chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm, chùa Nạm Dầu, chùa Quan Âm, đền Mẫu....
Đặc biệt sản phẩm du lịch tâm linh lịch sử "Về thăm mặt trận biên giới Vị Xuyên" với các điểm: Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, đài hương 468, hang Dơi..... Vùng này còn nổi tiếng với những trang trại trồng cam, trồng táo....những làng văn hóa du lịch cộng đồng của dân tộc Tày, Dao... Thành phố Hà Giang được biết đến là cửa ngõ kết nối tuyến du lịch giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.
Bên cạnh các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Hà, Khu du lịch sinh thái Thạch Lâm Viên, còn có các lễ hội: Nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn, Lồng tồng của dân tốc Tày, Bàn Vương của dân tộc Dao....
Không gian du lịch vùng đồi núi đá phía bắc: Bao gồm các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ; độ cao trung bình từ 1.000m đến 1.600m; gồm nhiều khu vực núi đá vôi có độ dốc lớn, nằm sát chí tuyến bắc. Vùng này mang đặc trưng của tiểu vùng khí hậu ôn đới, thích hợp cho phát triển các loại cây ăn quả như: Mận, đào, lê, hồng, táo... các loại cây dược liệu quý như: Thảo quả, đỗ trọng, huyền sâm, ý dĩ... cây lương thực chủ yếu là ngô, rau và cây họ đậu, vật nuôi chính là bò, ngựa, dê, gia cầm và ong mật… Toàn vùng đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu: Với tổng diện tích lên đến 2.368,6km2.
Không gian du lịch vùng đồi núi đất phía Tây, thuộc khối núi thượng nguồn Sông Chảy, gồm các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và một số xã thuộc huyện Bắc Quang, Quang Bình và huyện Vị Xuyên trên dãy Tây Côn Lĩnh.
Không gian này gắn với Di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Danh thắng này được biết tới là một trong những loại hình canh tác độc đáo và kỳ vĩ nhất của con người tác động vào giới tự nhiên thông qua bàn tay cần cù và kỹ thuật khai khẩn đất đai được tích lũy qua hàng ngàn năm trong môi trường sống đầy khắc nghiệt của vùng núi cao.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Bộ VHTTDL đề nghị công nhận di sản, ngày 01 tháng 11 năm 2011, ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia Danh lam thắng cảnh với 6 xã nằm trong khu vực bảo vệ và bản đồ khoanh vùng (Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên). Tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di sản ruộng bậc thang là 764,8 ha, diện tích ruộng bậc thang là 251,15 ha. Đây sẽ là điểm đến rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong những năm tới.
Theo số liệu thống kê, hiện nay Hà Giang đã có 12 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, và 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch đã và đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao.
Hy vọng rằng từ cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương, với những quyết sách và bước đi phù hợp, Hà Giang sớm trở thành một địa chỉ du lịch lôi cuốn du khách luôn tìm tới.
Yên Minh