Hang Co Phương hay còn gọi là hang Co Phường (có nghĩa là hang Cây Khế) thuộc bản Sại, xã Phú Lệ. Đây là địa điểm lịch sử quan trọng, vừa là kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) và dân công hỏa tuyến trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta.
Chính nơi đây đã ghi lại dấu ấn và thể hiện ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh quên mình để chi viện cho chiến trường của quân dân ta với quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Theo tài liệu ghi lại, khoảng 3h chiều ngày 2/4/1953, máy bay Pháp đã thay nhau quần thảo thả bom tàn sát khu vực bản Sại. Nhiều TNXP, dân công hỏa tuyến đang độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tại đây.
Lúc này, tại hang Co Phương, tiểu đội dân công 13 người đều có địa chỉ tại xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đang trú ẩn trong hang bị bom đánh sập và chặn cửa hang khiến 11 người bị mắc kẹt bên trong. Một người đã ra khỏi hang trước khi bom rơi nên sống sót, còn một người bị thương nặng sau khi được đưa tới bệnh viện cứu chữa, nhưng cũng hi sinh ngay sau đó.
Bà Lê Thị Ngọt (SN 1934), người duy nhất sống sót trong ngày tháng ác liệt ấy vẫn còn nhớ như in những tiếng máy bay quân Pháp gầm rú, những tiếng đồng đội kêu la thảm thiết…
Bà kể, nhận mệnh lệnh, tiểu đội dân công hỏa tuyến của xã Thiệu Nguyên lên nhận nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 15A đi Vạn Mai (tỉnh Hòa Bình).
Khoảng 15h ngày 2/4/1953, máy bay của Pháp thi nhau quần thảo, bắn phá. Xã Phú Lệ chìm trong lửa đạn.
Lúc này, đội của bà đang trú ẩn trong hang Co Phương. Vừa lúc máy bay thả 3 quả bom xuống bà đã kịp chạy ra ngoài. Chỉ trong chớp mắt, những tiếng nổ rung trời, đá bắn tung tóe, cửa hang bị vùi lấp. Cùng với đó là 11 người đang bị vùi lấp bên trong.
“Nhân dân, bộ đội và dân công tập trung tìm cách cứu những người bên trong ra, nhưng khối đá nặng hàng trăm tấn bịt kín cửa hang, không có cách nào xê dịch được. Mọi người chỉ đục được một lỗ nhỏ như cổ tay để đưa nước và thức ăn vào. Mấy ngày đầu vẫn liên lạc được qua tiếng vọng, nhưng những ngày sau đó thì không còn nghe được tiếng người nói ra nữa”, bà Ngọt kể lại.
Hàng năm vào ngày 2/4 (ngày giỗ chung); ngày rằm, mùng một hàng tháng, ngày lễ, tết, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện, xã, thân nhân liệt sỹ, nhân dân địa phương đều đến thăm viếng và dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh nơi đây.
Năm 2012, hang Co Phương được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Đến năm 2019 thì được được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Theo lãnh đạo huyện Quan Hóa, những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, hang Co Phương được đầu tư nhiều hạng mục như: Đường giao thông, sân hành lễ, nhà bia, khu để xe, khu sân vườn, cột cờ... Tuy nhiên, nơi đây vẫn chưa được đầu tư xứng tầm với di tích lịch sử quốc gia.
Trong thời gian tới, huyện Quan Hóa tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng, kết nối di tích với các danh lam, thắng cảnh và địa phương lân cận để thu hút khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu giá trị di tích. Để làm được điều này, huyện rất cần sự quan tâm của tỉnh và các cơ quan chức năng.