Hợp tác cùng người có ảnh hưởng
Lần đầu tiên được tham gia lớp học bán hàng trên kênh Tiktok shop, ông Đinh Xuân Nhu, đại diện Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và Hoa vô cùng hồi hộp xen lẫn những háo hức.
Trước giờ livestream, ông được hướng dẫn chuẩn bị tất cả các sản phẩm lên kệ và sắp xếp theo thứ tự để bán trong quá trình lên sóng. Việc này giúp cho phiên live diễn ra suôn sẻ và người bán tránh được những nhầm lẫn.
Thông qua kênh bán hàng “Cô Hai Tây Nguyên”, phiên livestream hôm đó, ông Nhu đã giới thiệu được rất nhiều sản phẩm tới người tiêu dùng. Nào là nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, yến đông trùng hạ thảo, mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo…
Với cách làm này, chỉ cần ngồi tại xưởng, ông Nhu vẫn có thể giới thiệu tới khách hàng những sản phẩm do doanh nghiệp làm ra. Khách hàng lại được trực tiếp nhìn thấy sản phẩm, tương tác với người bán và chốt đơn nhanh gọn.
Theo ông Nhu, việc livestream bán hàng đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán và người mua. Người bán có thể tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, quảng bá sản phẩm, khai thác được nhiều sức mạnh từ nền tảng mạng xã hội. Còn khách hàng lại rút ngắn được hành trình mua hàng.
Ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, “sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử.
Ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2-3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.
Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các doanh nghiệp còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng để đạt được hiệu quả kinh doanh.
Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến như facebook, youtube, tiktok… hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử shopee, lazada, tiki, sendo… cũng được nhiều nhà sản xuất áp dụng.
Điều này đã cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động từ sản xuất, đến marketing và bán hàng. Chi phí trung gian cũng giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn.
Tăng sự hiện diện cho hàng Việt
Để thúc đẩy hàng Việt và giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng, Đắk Nông đang tiếp tục hưởng ứng phong trào tiêu dùng hàng hóa Việt, sản phẩm địa phương thông qua các mô hình gian hàng Việt.
Việc triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2021-2025 đang được địa phương đẩy mạnh.
Trong đó, các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa được triển khai mạnh mẽ, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Ngành Công thương còn tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình mới trong mua bán hàng hóa trên môi trường trực tuyến.
Đồng thời, ngành công thương phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững.
Đơn vị cũng khuyến cáo, để lan tỏa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh nghiệp Đắk Nông cần chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Cùng với chất lượng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm hàng hóa nên hướng tới sự đa dạng, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
Về phía các doanh nghiệp phân phối nên ưu tiên kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng Việt, hỗ trợ trưng bày, giới thiệu tại các vị trí thuận lợi. Đồng thời, tham gia mạng lưới điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, tự hào hàng Việt... trên địa bàn tỉnh.
Qua đó giúp truyền thông đến đông đảo người tiêu dùng biết về địa chỉ tin cậy trong mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.
Ngành Công thương Đắk Nông hiện đã bố trí được 10 điểm tự hào hàng Việt Nam và 4 điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu dùng tại vùng sâu, vùng xa để người dân thuận tiện trong tiếp cận và mua sắm. |
Theo LÊ DUNG (Báo Đắk Nông)