Đây là Hội chợ thường niên do Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Đại sứ quán các nước tại Hàn Quốc. 

Hội chợ năm nay có quy mô khoảng 200 gian hàng, được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, hội chợ năm nay đặc biệt có ý nghĩa trong việc quảng bá và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho các loại nông sản chất lượng cao Việt Nam đang vào vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn về đầu ra do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

{keywords}
Cơ hội xuất khẩu sang Hàn Quốc (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc)

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc là sản phẩm dệt may, điện thoại và linh kiện điện tử, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, giày da… Nhiều mặt hàng của Việt Nam có chất lượng cao và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Hàn Quốc đã góp phần tăng trưởng kim ngạch buôn bán hai chiều trong những năm qua.

Những năm gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi. Năm 2020, tỷ lệ này đạt 52% với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu được cấp C/O gần 10 tỷ USD.

Hiện, nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng C/O cao nhất là nhóm nông - thủy sản, đều ở mức trên 90%. Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực cũng có mức sử dụng C/O cao như gỗ và sản phẩm gỗ (80%); giày dép (gần như 100%); hàng dệt may (94%).

Tiềm năng để phát triển thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc rất lớn. Hiệp định thương mại tự do song phương đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.

Anh Duy