Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cơ quan quản lý CITES Việt Nam) và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã, Chương trình Việt Nam (WCS) vừa ra mắt ba cuốn sách hữu ích dành cho các cán bộ thực thi pháp luật gồm có: “Thẩm vấn đối tượng buôn lậu loài hoang dã – Kỹ thuật điều tra tội phạm liên quan đến loài hoang dã”; “Vận chuyển có kiểm soát – Kỹ thuật điều tra tội phạm liên quan đến động vật hoang dã”; “Thủ đoạn cất giấu loài hoang dã – Sổ tay nghiên cứu điển hình”.

Bộ sách do Ban thư ký Interpol, Ban thư ký CITES và Tổ chức Hải quan thế giới xây dựng và phát hành nhằm cung cấp những hướng dẫn cũng như giới thiệu về những kỹ năng chung trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán và điều tra tội phạm liên quan đến loài hoang dã.

W-anhminhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo về "Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022" của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) ngày 6/9/2023, phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về động vật hoang dã phát hiện trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Trong năm 2022, đã có 95% số vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ; 79% các vụ án hình sự có đối tượng đã được đưa ra xét xử và kết án với mức án tù trung bình là 3,01 năm.

Báo cáo cũng khẳng định những chuyển biến tích cực sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018 đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về động vật hoang dã.

Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu khi mà chỉ còn khoảng 220 cá thể gấu đang nuôi nhốt tại các trang trại tư nhân và 43 tỉnh, thành không có gấu nuôi nhốt. Hiện Việt Nam về cơ bản đã xây dựng được một khung pháp lý khá hoàn thiện về bảo vệ động vật hoang dã, tuy nhiên, các quy định còn chưa thật sự cụ thể để bảo đảm cơ chế quản lý hiệu quả với các cơ sở nuôi nhốt. Việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó phân biệt rõ ràng giữa cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại cũng như xác định cụ thể các điều kiện thành lập và cơ chế hiệu quả quản lý hoạt động tại các cơ sở này là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà, tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi vận dụng chế tài hình sự mới. Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã tăng lên 92,2% (giai đoạn 2018-2022), sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực so với tỷ lệ 84,6% giai đoạn trước đó.

Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi vận dụng chế tài hình sự mới. Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã tăng lên 92,2% (giai đoạn 2018-2022), sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực so với tỷ lệ 84,6% giai đoạn trước đó.

Cùng với hoạt động điều tra, tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử cũng tăng đáng kể. Trong bốn năm sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực (2018-2022), trung bình tỷ lệ các vụ án có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử là 90,9%, tăng gần 30% so với giai đoạn trước đó.

Mức án tù trung bình cho một đối tượng phạm tội về động vật hoang dã trong năm 2022 là 3,01 năm, tuy có giảm so với mức án tù trung bình cao nhất được ghi nhận vào năm 2019 là 4,45 năm, nhưng con số này vẫn cao gấp đôi mức án tù trung bình ghi nhận vào năm 2017 là 1,21 năm, thời điểm trước khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực.

Một số vụ án điển hình như ngày 21/2/2023, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối tượng liên quan đến hai vụ vận chuyển trái phép gần 10 tấn các loại sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê, xương sư tử từ châu Phi về Việt Nam được phát hiện tại cảng Tiên Sa.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Đức Tài 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" và 3 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Ngày 12/9, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ Nguyễn Văn Tới (xã Tam Dị, huyện Lục Nam) về hành vi tàng trữ một cá thể hổ, nặng khoảng 250 kg, được mua về với mục đích nấu cao bán kiếm lời.

Trước đó, ngày 10/9, Công an tỉnh Lai Châu đã bắt quả tang và tạm giữ hình sự đối tượng Tẩn Siêu Dồng (thường trú tại bản Bành Phán, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ) về hành vi tàng trữ sừng tê giác và mật gấu…

Tính riêng quý I/2023, ENV đã ghi nhận tổng cộng 861 vụ việc về động vật hoang dã. Với sự hỗ trợ của ENV, các cơ quan chức năng đã tịch thu hoặc tiếp nhận chuyển giao 994 cá thể động vật hoang dã còn sống bao gồm 43 cá thể khỉ, 5 cá thể gấu ngựa, 389 cá thể rùa cạn, rùa nước ngọt, 2 cá thể vượn, 458 cá thể chim và nhiều loài động vật hoang dã khác.

Ngoài ra, 298 vụ vi phạm liên quan quảng cáo bán động vật hoang dã trực tuyến đã được xóa bỏ thành công nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của các nhà cung cấp mạng xã hội sau khi tiếp nhận thông tin từ ENV.

Nhóm PV