Các hoạt động tại đây do Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức.

Hành trình khám phá di sản thế giới và di tích quốc gia của đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2023 tại Thanh Hóa.

Tự hào truyền thống yêu nước 

Trong chương trình, các đại biểu đã được thăm quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), dâng hương tại Chính điện Lam Kinh, các tòa thái miếu và lăng mộ vua Lê Thái tổ, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao của anh hùng dân tộc Lê Lợi và các tướng sĩ đã làm nên thắng lợi khởi nghĩa Lam Sơn, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ giặc Minh.

Đoàn dâng hương trong khu chính điện Lam Kinh và lăng mộ vua Lê Thái Tổ. 

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). 

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt, công bố Đại cáo Bình Ngô. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). 

Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thư­ờng trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu…

Trong khuôn viên khu di tích một giếng cổ, trước kia có thả sen. Nước giếng trong xanh quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống, cung cấp nước cho điện Lam Kinh. 

Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Bạn Bùi Trần Hà My (CHLB Đức) thích thú khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về vùng đất Lam Kinh: "Đây là lần đầu tiên em đến Thanh Hóa, được học nhiều lịch sử về các di tích ở Thanh Hoá. Em thấy phong cảnh thiên nhiên rất là đẹp. Khi về nước, em muốn kể với các bạn nhiều hơn về chuyến đi này để các bạn làm quen và biết nhiều hơn về Việt Nam".

Bạn Ngọc Đa (Lào) chia sẻ: “Khu di tích lịch sử đặc biệt Lam Kinh rất độc đáo, mang đậm tính nghệ thuật. Khuôn viên mát mẻ, nhiều cây cối, không khí trong lành. Em được cùng các cô, chú, các anh, chị trong đoàn dâng hương, thăm quan khu chính điện, lăng tẩm của vua Lê Thái Tổ. Công trình bề thế, quy mô, thể hiện sự tài giỏi, tinh hoa của một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử của đất nước ta”.

Vốn tiếng Việt chưa nhiều nhưng Hồ Đăng Dũng (Liên bang Nga) tâm sự: “Ấn tượng của em trong ngày hôm nay là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh với nhiều cây xanh và kiến trúc xưa. Ở đây em được nghe kể chuyện về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, về anh hùng dân tộc Lê Lợi. Không chỉ những kiều bào trẻ như chúng em mà các bạn trẻ trong nước cũng rất tự hào về truyền thống yêu nước của người Việt Nam”.

Các em thích thú trước cây ổi cười trong khuôn viên khu di tích. 

Câu chuyện về cây đa thị (cây di sản thuộc khu di tích) thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. 

Giới trẻ kiều bào luôn dành sự quan tâm đặc biệt với văn hóa nguồn cội. 

Các bạn trẻ kiều bào từ khắp nơi trên thế giới trở về thăm tổ quốc. 

Phát huy giá trị di sản

Sau khi rời Khu di tích lịch sử đặc biệt Lam Kinh, đoàn đã tham quan Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Thành nhà Hồ được xây dựng từ các tảng đá lớn.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở huyện Vĩnh Lộc là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris (Cộng hòa Pháp), Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.  Hiện nay, Thành nhà Hồ được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.

Toàn bộ tường thành và các cổng chính được xây dựng từ các tảng đá lớn được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hoá đang có nhiều biện pháp để bảo vệ, phát huy, quảng bá giá trị của Khu di sản Thành Nhà Hồ trong các lĩnh vực sử học, khảo cổ học… cho nhân dân địa phương và khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ.

Khu trưng bày hiện vật tại Thành nhà Hồ.

Em Đặng Trần Quế Anh (CHLB Đức) cho biết: “Đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tỉnh Thanh Hóa, em thêm hiểu và tự hào về sức mạnh Việt Nam. Em thấy thêm yêu quê hương Việt Nam của mình hơn”.

Những hiện vật như đầu rồng, đồ gốm, gạch… trong khu trưng bày ở khu vực ở Thành nhà Hồ gây ấn tượng với các bạn trẻ.

Việt Anh bày tỏ: “Em ấn tượng với đồ gốm. Từ trước đến nay em vẫn nghĩ gốm chỉ là đồ dùng như: Bình hoa, bát đĩa, cốc uống nước nhưng ở đây em thấy gốm còn được cha ông xưa dùng để trang trí kiến trúc. Mái nhà, bậc thềm, tường đều có tượng rồng, hoa văn hình rồng. Hoa văn trên các tượng này tinh xảo, cuốn hút, cầu kỳ.

Điều đó cho thấy ngày xưa người Việt đã rất tài hoa, tạo nên nền văn hóa độc đáo, chỉ có ở Việt Nam. Em thích những trải nghiệm như thế này vì được học lịch sử Việt Nam một cách dễ nhớ, dễ hiểu và hấp dẫn. Qua đó, kết nối thế hệ trẻ, đặc biệt là những người như chúng em gắn bó hơn với quê hương... ”. 

Việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản giúp nhiều thế hệ người Việt Nam trong và ngoài nước thêm yêu, tự hào về đất nước mình. 

Quỳnh Nga