Đối với thế giới bên ngoài, CHDCND Triều Tiên hầu như vẫn là một quốc gia bí ẩn, với luật định nghiêm khắc và các quy định sử dụng Internet ngặt nghèo. Tuy nhiên, các lãnh đạo hàng đầu của nước này không hề tuyệt giao với thế giới ảo bên ngoài, theo một báo cáo mới.
Các chuyên gia thuộc công ty Recorded Future đã tìm cách giám sát hoạt động sử dụng Internet tại CHDCND Triều Tiên suốt 3 tháng. Họ phát hiện, hệ thống Internet của quốc gia biệt lập này được bảo vệ rất sơ sài, giúp hé lộ các sở thích kết nối mạng của giới lãnh đạo cũng như thành phần tinh hoa trong nước.
Theo nhóm nghiên cứu, ở CHDCND Triều Tiên, hầu hết dân thường không được truy cập Internet. Các thiết bị di động của họ chỉ được cài những dịch vụ 3G cơ bản nhất, bao gồm tính năng đàm thoại, tin nhắn văn bản và tin nhắn hình ảnh/video. Những thiết bị cũng chỉ có thể hoạt động thông qua nhà cung cấp viễn thông quốc doanh Koryolink.
Chỉ có một nhóm nhỏ người tại CHDCND Triều Tiên được quyền truy cập mạng Internet nội địa, thông qua các máy tính công cộng tại trường đại học hoặc các quán cà phê Internet. Các đối tượng này bao gồm các sinh viên đại học, nhà khoa học và một số quan chức chính phủ nhất định.
Trong nhóm ưu đãi trên có một số rất ít người được quyền truy cập trực tiếp vào mạng Internet toàn cầu, gồm hầu hết các lãnh đạo cấp cao và những thành phần tinh hoa.
Nhóm nghiên cứu ghi nhận, các quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên cũng có nhiều hành vi sử dụng Internet tương tự như người phương Tây, từ việc thường xuyên truy cập mạng xã hội tới xem phim trực tuyến.
Cụ thể, những người này dành nhiều thời gian cho thú vui mạng xã hội, kể cả Facebook và Instagram, đọc tin tức trực tuyến và tìm kiếm trên Amazon. Hầu hết hoạt động trực tuyến của họ, chiếm tới 65% thời gian sử dụng, là dành cho chơi game (World of Tanks nằm trong số các game được ưa chuộng nhất) và các dịch vụ truyền phát video, ví dụ như Youku của Trung Quốc hay iTunes và BitTorrent.
Đối với những người áp dụng các biện pháp che giấu hoạt động trực tuyến, họ thường sử dụng các dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) và máy chủ riêng ảo (VPS) mua từ các công ty phương Tây nổi tiếng như Sharktech, iWeb, Digital Ocean, Linode, Leaseweb USA, Telemax hay Touch VPN.
Song, nhìn chung chỉ có không đầy 1% các hoạt động Internet ở CHDCND Triều Tiên được bảo mật. Đối với những người áp dụng các biện pháp bảo mật, việc ngụy trang hay xóa dấu vết thậm chí được thực hiện khá sơ sài.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)