- 1. Hệ thống chữ viết tiếng Việt ngày nay là một hệ thống chữ viết có nhiều ưu điểm, mà ưu điểm lớn nhất là một thứ chữ viết ghi âm vị, ghi các từ theo nguyên tắc ngữ âm học. Đó là một thứ chữ đơn giản, dễ học, dễ nhớ.
Tuy nhiên bên cạnh nhiều ưu điểm vẫn còn một số điểm bất hợp lí, dẫn đến lỗi sai chính tả của học sinh hiện nay. Có lỗi sai chính tả theo vùng miền, ví dụ sai phụ âm đầu “tr/ch” điển hình cho khu vực miền Bắc, sai phụ âm đầu “v/d” đặc biệt ở khu vực miền Nam, sai phần vần (âm cuối) “-n/-ng” tiêu biểu cho khu vực miền Trung. Tuy nhiên có nhiều lỗi sai chính tả diễn ra ở cả 3 miền, đặc biệt là lỗi phụ âm đầu “d/gi”
Vì chữ viết tiếng Việt là thứ chữ ghi âm, nói thế nào viết thế ấy, nên tối ưu vẫn là mỗi con chữ ghi một âm. Nhưng âm vị /z/ thì lại đồng thời ghi âm cả hai hình thức chữ viết là “d” và “gi” nên dẫn đến việc viết sai chính tả các cặp từ có phụ âm đầu là “d” và “gi”.
Ví dụ: hai từ “dâu da” và “giâu gia”, viết thế nào là đúng?
2. Theo thói quen, nhiều người thường viết là “dâu da”, chứ ít khi viết “giâu gia”. Nhưng khi tìm trong quyển Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, mục từ “dâu da” (tr.241) thì thấy viết: “dâu da x. giâu gia” (x. viết tắt từ xem). Lật tiếp sang mục từ “giâu gia” (tr.383) thì lại thấy ghi: “giâu gia cv. dâu da. d. Cây to cùng họ với trẩu, lá hình bầu dục, quả tròn, mọc từng chùm, ăn hơi chua.” (cv. : cũng viết).
Trong “Đại từ điển Tiếng Việt” của Nguyễn Như Ý thì cũng thấy tình trạng tương tự, “dâu da Nh. Giâu gia” (Nh: như) và “giâu gia: Cây dại mọc trong rừng hoặc trồng lấy quả ăn, thân gỗ cao tới 12-15m, lá thường nhóm họp ở cuối cành, hình bầu dục ngược hay hình thoi, hoa đực mọc thành chùm, quả mọng nhẵn, có 1-4 hạt ăn ngon ngọt (khi chín) gỗ trắng xám không bền, có thể dùng làm trụ mỏ, cột nhà”.
Như vậy là trong cả hai cuốn từ điển trên, hai từ “dâu da” và “giâu gia” đều cùng tồn tại, đều có thể sử dụng trong khi viết và nói, không có từ nào là “sai”, người dùng muốn viết cách nào cũng được.
Hai từ “dâu da” và “giâu gia”, xét trên phương diện ngữ âm thì chúng phát âm giống nhau, cùng ghi âm đầu /z/, khi phát âm thì không phân biệt với nhau được, nhưng khi viết thì thể hiện bằng hai hình thức kí hiệu con chữ khác nhau: “d” và “gi”.
Trong vốn từ tiếng Việt, hiện tượng một âm vị được ghi bằng nhiều hình thức chữ viết như trên không phải là hiện tượng duy nhất. Còn có những cặp phụ âm đầu khác cũng cùng chung tình trạng trên, như âm vị âm đầu /k/ có lúc viết là “k”, có lúc viết là “c”, lúc khác lại viết là “q”. Hoặc như âm vị /γ/ tùy từng trường hợp có thể ghi bằng hai cách là “g”, “gh”. Hoặc như âm vị /ŋ/ có lúc ghi “ng”, có lúc ghi “ngh”.
Chỉ khảo sát riêng những từ ngữ có âm đầu là “d/gi”, chúng tôi đã thống kê được đến hơn 50 từ có thể viết âm đầu là “d” hoặc “gi” đều được. Một số (cặp) từ tiêu biểu thuộc loại này như: dàn/giàn (mướp), (cái) dại/giại, (trôi) dạt/giạt, (đánh) dậm/giậm, dẫm/giẫm (đạp), (bờ) dậu/giậu, dở/ giở (chứng), (cơn) dông/giông, dội/giội (nước), (mài) dũa/giũa, (thư) dãn/giãn, (già) dặn/giặn, dong/giong (buồm)...
Đây có thể xem là hiện tượng “lưỡng khả” trong thực tiễn sử dụng tiếng Việt hiện nay, viết cách nào cũng đúng.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng “lưỡng khả” trong từ ngữ như trên?
Đầu tiên, xét theo quan điểm lịch đại, có thể một trong hai từ là từ cổ, thường được sử dụng trước đây, nhưng theo thời gian cách viết phụ âm đầu có thay đổi, nên tồn tại cả hai cách viết, ví dụ như từ “dền” trong “rau dền/ giền”. Các tác giả từ điển ghi rõ trong phần giải thích rằng đây là những từ ngữ “cũ, ít dùng”, sơ bộ có thể thống kê được 27 mục từ như vậy.
Tiếp theo, có trường hợp do không hiểu rõ nghĩa gốc của từ ngữ mà tạo nên hai quan niệm khác nhau, dẫn đến hai cách viết khác nhau, như cuộc tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ về tên gọi Thánh Dóng hay Thánh Gióng, Hội Dóng hay Hội Gióng.
Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, người có nhiều công trình nghiên cứu về Thánh Dóng thì cả quyết tên của cậu bé (là Thánh Gióng sau này) là Dóng, con ông Đùng bà Đà, chứ không phải như mọi người sau này suy diễn là vì cậu bé suốt ngày chỉ nằm trên thúng tre, treo trên cái gióng (cái quang gánh) nên có tên là Gióng. Và hiện nay vẫn cứ tồn tại cả hai cách viết.
Tra cứu các mục từ “gióng” trong từ điển tiếng Việt , ngoài các nghĩa trên ra, ta thấy thêm các từ “gióng” khác có những nghĩa khác nhau: “gióng” là đoạn giữa hai mắt của một số cây có thân thẳng; đốt, VD Gióng mía, gióng tre. “gióng” có nghĩa là thúc ngựa đi (ít dùng) VD gióng ngựa.
Mấy năm trước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị và được Chính phủ chuẩn y trình lên UNESCO đưa Lễ hội Thánh Dóng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mặc dù vậy, trong Công văn 5299 ban hành ngày 4/8/2009 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, lại dùng chữ Thánh Gióng.
Cạnh đó, còn có lí do viết theo thói quen hình thành từ trước. Đọc lại một số tác phẩm của các tác giả của các thế kỉ trước, ta thấy cách viết của họ thiên về những từ có phụ âm đầu là GI, hiện nay không còn thông dụng mà phần lớn đã chuyển sang D nhiều hơn, như:
Hoa trôi bèo giạt đã đành (Truyện Kiều)
Giòng nước ngược (Tú Mỡ)
Giòng sông Thanh Thủy (Nhất Linh)
Hoặc cũng có trường hợp ngược lại:
Dông tố (Vũ Trọng Phụng)
4. Hiện nay, học sinh chúng ta hay mắc lỗi chính tả viết nhầm giữa hai âm đầu d/gi, ví dụ: ông dà (-)/già(+), con dao(+)/giao(-)...
Có cách nào giúp cho học sinh khắc phục lỗi chính tả khi viết các từ có phụ âm đầu “d/gi” cho khỏi nhầm lẫn?
Một số tác giả đã đưa ra các mẹo luật để phân biệt trường hợp nào thì viết là “d” hay “gi” như Lê Trung Hoa (2005, Lỗi chính tả và cách khắc phục), Hoàng Anh (2010, Sổ tay chính tả)… Trong đó có mẹo luật như:
- Âm đầu “gi” không bao giờ kết hợp với âm đệm, tức là không đứng trước các vần oa, oă, uâ, uê, uy, nên khi gặp những vần nay thì viết “d” như doạ nạt, nổi dóa, hậu duệ, vô duyên, kiểm duyệt, duy trì…
- Một số từ có từ đồng nghĩa (không kể Hán Việt hay thuần Việt) thường chuyển đổi theo các “mẹo”:
D thường chuyển đổi với L, Nh, Đ, D (Làm Nhà Đạo Diễn)
GI thường chuyển đổi với C, Ch, S, Tr, Th, T, Gi (các Chiến Sĩ Trẻ Tiếc Thời Gian) (Lê Trung Hoa, sđd, tr57-58).
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy khó có thể nhớ hết được các mẹo luật phân biệt D/GI.
Như vậy, muốn khỏi sai chính tả phụ âm đầu D/GI chủ yếu là viết theo thói quen, nhớ mặt từ.
Còn các trường hợp đã nêu trên là trường hợp “lưỡng khả”, học sinh có thể viết theo dạng nào cũng được, nhưng cũng lưu ý khuyến khích học sinh viết theo dạng thông dụng hiện nay.
5. Cuối cùng, để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn một ý kiến của GS.TS Đoàn Thiện Thuật (1999, Ngữ âm tiếng Việt): “Cách ghi D và GI khác nhau trong những từ cụ thể, không thể đúc rút thành quy luật chính tả được vì nó là vấn đề từ vựng học và có lí do lịch sử của nó. Những từ được ghi bằng D có lẽ vào thời kì chữ quốc ngữ được xây dựng có cách phát âm khác với những từ được ghi bằng GI ở bộ phận âm đầu. Những từ được ghi bằng GI như gia, giang, giáo… thường là những từ Hán Việt và theo cách phát âm cổ của chúng trước kia...”
- ThS.GVC. Đỗ Thành Dương, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ, Trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang
***************************
Tài liệu tham khảo
1. Lê Trung Hoa (2005), Lỗi chính tả và cách khắc phục, Nxb KHXH, HCM.
2. Hoàng Phê - cb (1995), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học, ĐN.
3. Nguyễn Như Ý - cb (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb VHTT, HN.
4. Hồ Lê - cb (2005), Lỗi từ vựng và cách khắc phục, Nxb KHXH, HCM.
5. Đoàn Thiện Thuật (1999), Ngữ âm tiếng Việt, Nxb ĐHQG, Hà Nội.
6. Huình Tịnh Paulus Của (1998), Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Nxb Trẻ, HCM.
7. Lê Văn Đức (1970), Việt Nam tự điển, Khai Trí, Sài Gòn.
8. Hoàng Anh (2010), Sổ tay chính tả, Nxb Văn hóa thông tin.