Từ hàng chục năm trước, một sản phẩm từ Silicone đã được đưa vào Việt Nam với tên thương mại là Silicone Sealant chuyên dùng để gắn nhôm kính và nhiều loại vật liệu xây dựng khác mà người sử dụng quen gọi sản phẩm này là “Keo Silicone”. Vậy “Keo Silicone” là gì ? và hiểu như thế nào cho đúng về tên gọi “Keo Silicone“ ?
Năm 1824, nhà hóa học người thụy điển Jöns Jakob Berzelius tìm ra nguyên tố Silicon (Si) có ý nghĩa to lớn và đặt nền móng cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ đầu thế kỷ 19 mà ngành công nghiệp điện tử bán dẫn sẽ chẳng là gì nếu không có nguyên tố Silicon, vật liệu cơ bản trong sản xuất vi mạch – chất bán dẫn. Là cơ sở của máy vi tính và mọi dụng cụ vi điện tử khác.
Silicon là một nguyên tố hóa học rất linh hoạt như: Silicon được kết hợp với các kim loại, như nhôm, để tăng khả năng của chúng tạo ra lớp đúc chất lượng. Silicon được kết hợp với carbon để tạo thành silicon carbide, một chất mài mòn thông dụng, còn các tinh thể thạch anh là một dạng silicon dioxide tinh khiết chúng cộng hưởng ở một tần số riêng, nên được ứng dụng trong đồng hồ. Silicon kết hợp với Oxygen, Silicon tạo thành Polymer giống cao su gọi là Silicone.
Công thức hoá học của Silicone |
Như vậy, Silicone là một hợp chất tổng hợp mà chuỗi Polymer mạch chính có cấu trúc bao gồm các nguyên tử Silicon và Oxy liên kết với nhau, đồng thời có sự liên kết giữa nguyễn tử Silicon với nhóm hữu cơ. Tùy thuộc vào các nhóm liên kết tạo nên đặc tính của Silicone, ổn định khả năng kháng lại các sự tấn công hóa học, sự thay đổi của nhiệt độ, co giãn và đàn hồi tốt, không dẫn diện dẫn nhiệt. Silicone có hàng hàng ngàn ứng dụng trong trong xây dựng, y tế, năng lượng, chăm sóc sắc đẹp, ngành công nghiệp nặng, điện tử, may mặc, năng lượng mặt trời, bao bì, tráng phủ…Chắc hẳn, các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết lon Coca cola mà chúng ta uống mỗi ngày cũng có Silicon.
Dựa vào một số đặc tính tiêu biểu như trên, một sản phẩm của Silicone được sử dụng trong xây dựng để làm chất gắn, trám trét, bịt kín các khe hở, mối nối giữa các loại vật liệu với nhau đặc biệt là nhôm kính có tên thương mại là Silicone Sealant. (Sealant có nghĩa là chất gắn, trám, bịt kín, điền đầy… theo Từ điển Anh – Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, 2009)
Thành phần cấu tạo của Silicone |
Silicone Sealant là một nhóm các chất trám trét, bịt kín đi từ Silicon, bao gồm các thành phần chính như Polymer (chuỗi chính, hình dạng lò xo tạo nên cấu trúc của sản phẩm), Catalyst (chất xúc tác giúp silicone đóng rắn), Cross-linker (thành phần kết nối các chuỗi polymer lại, sau quá trình đóng rắn, chất này sẽ bay hơi. Tạo ra đặc tính của sản phẩm như: Acetoxy (axít), Alkoxy, Oxime,…) Filler (chất độn, giúp tạo ra cơ tính cho silicone. Có 2 loại chất độn phổ biến là CaCO3 hoặc Silica), Plasticizer (Chất nhựa hóa, tạo ra khả năng đàn hồi của vật liệu), Adhesive Promoter (thành phần giúp tăng cường khả năng bám dính của silicone lên bề mặt vật liệu), Additive (các thành phần phụ gia, chống mốc, tạo màu, kháng khuẩn,…). Thành phần Silicon trong Sealant chỉ chiếm một tỉ lệ nhất định và không một loại Silicone Sealant nào có 100% Silicone.
Một sản phẩm Silicone Sealant của APOLLO |
Theo quy ước quốc tế, Silicone Sealant được phân loại vào nhóm sản phẩm công nghiệp với tên chuyên ngành Elastomer (các vật liệu tự nhiên hay nhân tạo có tính đàn hồi) thuộc nhóm Glaziers Putty (Matit trám trét, gắn kính). Chú ý đây là Matit chuyên dụng đi từ Silicon khác biệt với Matit thông thường được sử dụng trong các ngành khác như Matit bột bả, trám trét được sử dụng trong ngành sơn. Theo quy định và phân tích phân loại của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, Silicone Sealant được phân loại vào nhóm “ Matit gắn kính đi từ Silicon ” đúng theo quy định của các hiệp ước hải quan quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Như vậy, việc gọi tên “Keo Silicone” không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, nó hàm chứa nhiều kiến thức chuyên ngành và dựa trên thói quen tiêu dùng. “Matit gắn kính đi từ Silicon“ là cụm từ phân loại chuyên ngành của sản phẩm có tên gọi thương mại là Silicone Sealant mà ở thị trường Việt Nam người sử dụng hay quen gọi là “Keo Silicone“.
Hy vọng những thông tin trên giúp quý vị và người tiêu dùng hiểu hơn về một loại vật liệu tiên tiến ngày càng phổ biến trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng và những lĩnh vực khác trong xã hội ngày nay.
(Theo Dân Trí)