Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên trì, quyết liệt với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, không chủ quan, nóng vội. 

Cùng với chính sách kích cầu của huyện, xã ban hành chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực và khuyến khích người dân cùng chung sức tham gia, nhất là đầu tư, cải tạo, xây mới các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. 

W-401140702-6874229449356941-6348816994492105676-n-2.jpg
Từ năm 2021 đến nay, xã đã tổ chức 45 cuộc tuyên truyền cho hơn 4.100 lượt người. 

Phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, huy động các nguồn lực để nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của các hợp tác xã, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, tổ chức các hoạt động du lịch gắn với bản sắc của đồng bào dân tộc...

Trong thực hiện, xã Đàm Thuỷ xác định tuyên truyền, vận động là khâu then chốt, đóng vai trò xuyên suốt quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản hướng dẫn với nhiều hình thức phong phú... 

Từ năm 2021 đến nay, xã đã tổ chức 45 cuộc tuyên truyền cho hơn 4.100 lượt người. Ngoài tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp thôn, xóm, xã truyền thông qua loa phát thanh, phát tờ rơi, treo pano, áp phích cổ động, lồng ghép vào các buổi giao lưu văn nghệ, đóng kịch. Đồng thời, xã cũng phát bản tin tuyên truyền về nông thôn mới đến các hộ gia đình. 

Tăng cường đưa tin về những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua loa truyền thanh. 

Song song đó, xã chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm có khả năng phát triển nhân rộng ra khắp các tỉnh, thành. 

Qua đó, người dân hiểu được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước, nhân dân đã hiến 12.650 m2 đất, huy động 480 ngày công lao động làm 6 tuyến đường nông thôn dài 982 m, rộng 2 m trở lên...

Xã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững. Các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đúng, đủ, kịp thời giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,7%, hộ cận nghèo còn 4,9%.

Ngoài ra, địa phương xác định xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên.

Là địa bàn biên giới có Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Đàm Thủy coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Nắm bắt được xu thế dịch chuyển lưu trú của khách du lịch, nhất là khách nước ngoài muốn được trải nghiệm cuộc sống thực tiễn của các vùng nông thôn miền núi, một số hộ hình thành các mô hình homestay cho khách du lịch lưu trú. Mô hình homestay cộng đồng tại xã Đàm Thủy không tốn kém đầu tư xây mới mà chủ yếu là chỉnh trang, tu sửa lại trên nền kiến trúc nhà sàn cổ độc đáo của chất liệu đá và gỗ tự nhiên có niên đại hàng trăm năm tuổi.

Những căn nhà sàn cổ được các hộ cải tạo thành các phòng nghỉ dưỡng, cho thuê, tiếp đón khách du lịch kết hợp với kinh doanh các sản phẩm truyền thống của cộng đồng như: các mặt hàng đan lát, nón lá, trang phục truyền thống, hạt dẻ, gạo nếp Ong nổi tiếng.

Hiện xã có khoảng 1/3 người dân tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, nhiều nhất ở Bản Gun, Khuổi Ky, Bản Giốc. Thu nhập bình quân từ các hoạt động dịch vụ, du lịch của các hộ trung bình từ 30 - 100 triệu đồng/người/năm.

Đến nay, xã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí để giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn, tập trung thực hiện các tiêu chí còn lại theo kế hoạch từng năm. Thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hình thành các làng du lịch nhằm tạo dân sinh, dân kế. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 

Quỳnh Nga