HĐXX tuyên án đối với các bị cáo

Mức án kịch khung đối với Nguyễn Thanh Hóa

Theo đó, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017. 

Cùng tội danh này, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa bị tuyên phạt 10 năm tù giam.

Thời hạn tù được tính từ ngày hai bị cáo bị bắt tạm giam. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, mỗi bị cáo còn phải nộp phạt 100 triệu đồng.

Nguyễn Thanh Hóa (trước) và Phan Văn Vĩnh được dẫn giải đến tòa nghe tuyên án vào sáng 30/11/2018.

Ngay sau khi bản án được tuyên, trên một số diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt những chia sẻ, bình luận mang tính kích động khi cho rằng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa “bị tuyên mức án quá nhẹ so với quy mô, tính chất vụ án”.

Thực tế, khung hình phạt đối với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017 là từ 5-10 năm tù giam.

Như vậy, Nguyễn Thanh Hóa đã bị tuyên mức án kịch khung trong khung hình phạt quy định về tội danh này. Trong khi đó, Phan Văn Vĩnh dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn nhưng cũng chỉ giảm được 1 năm so với mức kịch trần của tội danh này.

Thậm chí, những người có mặt tại phiên tòa hoặc theo dõi sát sao diễn biến phiên tòa qua các phương tiện truyền thông, hẳn sẽ có phần bất ngờ với mức án sơ thẩm được tuyên đối với hai cựu tướng Công an.

Bất ngờ là bởi trước đó, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa trong phần luận tội chỉ đề nghị HĐXX tuyên mức án 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù đối với Phan Văn Vĩnh; và 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù đối với Nguyễn Thanh Hóa.

Trong phần luận tội vào ngày 23/11, Viện Kiểm sát đề nghị mức án thấp hơn đối với Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.

Lý do khiến HĐXX quyết định tuyên mức án sơ thẩm nặng hơn so với đề nghị của Viện Kiểm sát, theo lý giải của HĐXX, Nguyễn Thanh Hóa được chấp nhận tình tiết giảm nhẹ về nhân thân (bị cáo có bố và ông nội là liệt sỹ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng,…) nhưng lại không được hưởng tình tiết thành khẩn, ăn năn.

Trong khi đó, HĐXX dù nhận xét ông Phan Văn Vĩnh đã tỏ ra ăn năn, thành khẩn khai báo với Cơ quan điều tra và HĐXX nhưng mức án được tuyên vẫn cao hơn đáng kể so với mức án đề nghị.

Vì sao hai cựu tướng Công an bị tuyên án nặng hơn?

Quan điểm chung của HĐXX đối với hai cựu tướng ngành Công an là: “Cần phải xử lý nghiêm khắc, triệt để và không có vùng cấm trong việc xử lý vụ án.”

          

Theo HĐXX, hành vi của 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa “đã gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an, gây bức xúc trong dư luận khi 2 bị cáo đều là người có chức vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ của mình để bao che cho hành vi phạm tội của người khác”.

Lý giải việc vì sao mức án được HĐXX tuyên đối với Vĩnh – Hóa nặng hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, ông Vũ Anh Tuấn – Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ - cho biết ngay sau khi tuyên án: “Tòa án xét xử dựa trên nguyên tắc độc lập tố tụng. HĐXX sẽ căn cứ vào thực tế diễn biến tại phiên xử, đánh giá thái độ trung thực, thành khẩn của các bị cáo để tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. HĐXX không phải chỉ căn cứ vào mức án của viện kiểm sát đề nghị”.

Cũng theo ông Tuấn, các bị cáo dù từng giữ chức vụ cao đến đâu nhưng khi ra tòa họ cũng bình đẳng với các bị cáo khác, phải chấp hành nội quy xét xử và các quy định liên quan.

 

Trong vụ án này, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa mới chỉ bị đưa ra xét xử về 01 tội danh là Lợi dụng chức vụ. Theo lời khai của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, cả hai đều đã biếu tặng Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh một số tiền và hiện vật có giá trị lớn để được hai ông tạo điều kiện cho game bài Rikvip được hoạt động trái phép. Tuy nhiên, cả hai ông Vĩnh – Hóa đều phủ nhận lời khai này.

Xét thấy chưa đủ căn cứ để buộc tội “Nhận hối lộ” đối với hai cựu tướng Công an, nên HĐXX đã kiến nghị làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ trong giai đoạn 2 của vụ án.

Như vậy, nếu Cơ quan điều tra điều tra được hành vi nhận hối lộ của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong giai đoạn 2 của vụ án, theo Điều 354 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt đối với tội Nhận hối lộ. Trong đó, mức phạt cao nhất đối với tội danh này là Tử hình.

Cũng theo bản án được HĐXX, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên đối với hai bị cáo cầm đầu đối với nhóm tội danh Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền như sau:

Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) 5 năm tù giam về tội Tổ chức dánh bạc, 5 năm tù giam về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù giam.

Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online) 2 năm tù giam về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù giam về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt tù là 5 năm tù giam.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương - Chủ tọa phiên tòa. Bà Hương đã điều hành phiên tòa một cách khoa học, quyết đoán và bản lĩnh. Trong lời nói sau cùng, các bị cáo đều khẳng định phiên tòa diễn ra công khai - dân chủ, đúng với tinh thần cải cách tư pháp.

HĐXX cũng kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ điều tra giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ tỷ lê % ăn chia giữa Công ty CNC và C50; điều tra việc Nguyễn Văn Dương khai đưa tiền cho các cán bộ công an tại Tổng cục Cảnh sát, C50 và PC50 Công an Hà Nội.

HĐXX cũng kiến nghị Bộ Công an trong việc vận hành các Cty nghiệp vụ, không để các Công ty này lợi dụng danh nghĩa công an để vi phạm đồng thời Bộ Công an phải làm tốt công tác cán bộ, tránh trường hợp như bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là Cục trưởng về công nghệ cao nhưng không có kiến thức về công nghệ thông tin.

HĐXX cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN tăng cường kiểm soát việc phát hành các loại thẻ có mệnh giá được dùng làm phương tiện thanh toán; chỉ đạo Bộ TT&TT kiểm tra các đơn vị trung gian thanh toán, các kịch bản trong hoạt động trò chơi G1.