Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tính đến tháng 6/2023, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt. Đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển…

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. 

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. 

Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức hỏe người dân nông thôn...

Diện mạo nông thôn và đời sống người dân Hoà Bình được nâng lên rõ rệt.

Đến quý II năm 2023, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%. Bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. 

Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chỉ là 54 xã; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh. 

Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, tỉnh Hoà Bình đã có 123 sản phẩm với 24 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao; có 99 sản phẩm đạt hạng 3 tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ…; nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen... sản phẩm từ thổ cẩm đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu... Tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP với các tỉnh bạn...

Trong 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Hoà Bình phấn đấu thực hiện đạt các nội dung theo Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 13/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra. Trong đó phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Chuẩn hoá từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. 

Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn là giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân. 

Trong đó tập trung vào một số giải pháp như: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Thành lập, kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới các cấp. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác triển khai nguồn vốn nông thôn mới năm 2023 tại các địa phương.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới và nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và của các cơ quan có liên quan…

Duy Tiến, và nhóm PV, BTV