“Nơm nớp” tại nơi ở mới

Năm 2004, để xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An), hàng nghìn hộ dân đã phải nhường đất, chuyển đi nơi ở mới. Trong đó, 47 hộ ở bản Vẽ (xã Yên Na), được chuyển đến khu tái định cư bản Khe Ò.

Khu tái định cư Khe Ò cách bản cũ khoảng 3km, bên sườn núi, phía dưới chân núi là con sông Nậm Nơn (thượng nguồn sông Lam).

{keywords}
Khu tái định cư Khe Ò nằm bên dòng sông Nậm Nơn
{keywords}
Bản có 47 hộ thì có 44 hộ bỏ đi nơi khác ở, chỉ còn 3 gia đình bám trụ lại

Hạ tầng đường bê tông, điện lưới, ống dẫn nước, trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng... cũng nhanh chóng được hoàn thiện để đón người dân tới nơi ở mới.

Năm 2005, khu tái định cư bản Khe Ò chính thức được thành lập, người dân hân hoan di chuyển đến nơi ở mới, hi vọng rằng từ đây cuộc sống sẽ ổn định.

Tuy nhiên, do điều kiện sống khác trước, người dân lại quen với phương thức canh tác, kiếm sống truyền thống nên cuộc sống ở đây gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Ông Lương Văn Thắng (phải) và ông Vi Văn Trung
{keywords}
Công trình nhà văn hóa hoang phế, chỉ còn những bức tường

Nguyên là trưởng bản Khe Ò, ông Lương Văn Thắng (SN 1952) nhớ lại, năm 2010, sau vài trận mưa lớn, một tảng đá lớn nằm phía sau nhà bếp của Lô Thanh Xuân bất ngờ lăn xuống. Nghe tiếng động lạ, ông Xuân chạy ra kiểm tra đã kịp hô hoán cho vợ và 2 người con thoát thân.

Tảng đá lăn xuống đè sập nhà bếp rồi vỡ đôi, một nửa lăn xuống đường, nửa kia xuống vực. Sau lần đó, lưng núi phía sau 7 hộ dân gần nhà ông Xuân có nguy cơ sạt xuống.

Chính quyền đã kiểm tra, hỗ trợ mỗi gia đình 7 triệu đồng để tự di dời nhà. Không lâu sau, người dân phát hiện một vết nứt dài chạy vòng phía sau khu tái định cư.

“Do sợ nguy hiểm nên người dân lần lượt bỏ khu tái định cư. Nhiều gia đình bỏ về vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để chăn nuôi, bắt cá, một số làm nhà ở dọc bờ sông Nậm Nơn”, ông Thắng nói.

“Ngôi làng ma” bên dòng Nậm Nơn

Sau 16 năm, 44/47 hộ dân ở Khe Ò đã “tháo chạy” khỏi bản. Ngoài gia đình ông Thắng, Khe Ò chỉ còn 2 hộ dân còn bám trụ lại gồm gia đình ông Vi Văn Trung (SN 1960) và bà Lương Thị Minh (SN 1943).

{keywords}
Bà Lương Thị Minh nói về lý do không rời bản
{keywords}
Ngôi nhà bị hư hỏng, mọc đầy cỏ dại

Qua thời gian dài do không có người sử dụng, phần lớn những căn nhà ở khu khu tái định Khe Ò chỉ còn trơ trụi lại những bức tường bê tông, cỏ dại mọc um tùm.

Trên triền núi, nhiều ngôi nhà đã bỏ hoang, mái, cửa sổ, nền gạch, thậm chí cả dây điện, ổ cắm đều bị tháo dỡ. Nhiều nhà, chỉ còn tường nhà đổ sập, cả bản tan hoang.

Các công trình phụ trợ khác như đường, công trình nước sạch, nhà văn hóa... cũng rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

{keywords}
 
{keywords}
Vắng bóng người khi người dân không hợp với nơi ở mới

Ông Thắng cho biết, do sợ bị kẻ xấu phá hoại lấy cắp đồ đạc nên chủ đầu tư đã tháo dỡ hết những gì còn sót lại sau khi các hộ dân bỏ đi nên những khu nhà này mới trở nên như vậy.

Điều đáng nói, người dân ở khu tái định cư Khe Ò không có đất sản xuất, mỗi nhà chỉ có đất ở và mảnh vườn nhỏ, nhưng đất toàn đá sỏi và dốc nên không trồng được cây gì.

Các hộ dân còn lại nay chỉ còn biết chăn nuôi một vài con trâu, con gà, đánh cá dưới sông và trồng rau để sống.

Nói về lý do không chuyển đi, bà Lương Thị Minh cho biết: “Tôi cũng muốn đi lắm nhưng già rồi, đi lại phải dựng nhà vất vả nên đành ở lại. Chúng tôi cũng trồng được rau và nuôi gà, ăn uống hết bao nhiêu. Cuối năm, xã đến hỏi thăm và tặng quà cũng đủ ăn Tết”.

{keywords}
 
{keywords}
Không có người ở, phần dưới nhà sàn được dùng để nuôi nhốt gia súc
 

3 hộ chưa có điều kiện di dời

Ông Lương Đại Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Na xác nhận, nguyên nhân người dân khu tái định cư Khe Ò chuyển đi sinh sống nơi khác chủ yếu do sợ sạt lở. 3 hộ còn lại do chưa có điều kiện chuyển đi nhưng tương lai cũng sẽ di dời.

Theo chính quyền địa phương, trước đây, vì lý do cấp bách trong di dân, giải phóng mặt bằng thủy điện Bản Vẽ nên việc lựa chọn, khảo sát vị trí xây dựng khu tái định cư Khe Ò chưa hợp lý.

“Ven sông thì sạt lở, chất lượng nước sạch không đảm bảo, công trình cơ bản nhanh xuống cấp. Đặc biệt, người dân bỏ đi là sợ đá lăn và một vết nứt lớn trên đỉnh núi càng ngày càng rộng ra. Các hộ kéo nhau đi cả, 3 hộ còn lại chắc cũng khó bám trụ lại. Sau khi người dân bỏ tái định cư, họ đề nghị xã bố trí đất để ở nhưng xã không có đủ quỹ đất. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị huyện giải quyết, thế nhưng nhiều năm trôi qua huyện vẫn chưa tìm được biện pháp gì cả”, ông Thắng nói.

Riêng về các hộ dân rời khu tái định, do không biết đi đâu nên họ đã về cải tạo lại bãi thải đất đá khi xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ nằm cạnh bờ sông Nậm Nơn để làm nhà ở.

“Nhiều lần chính quyền xã tới vận động họ rời đi vì đây là khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, cuối năm 2018, đợt xả lũ của thủy điện đã khiến gần hàng chục ngôi nhà tạm khu vực này bị cuốn trôi, may mắn không có thiệt hại về người”, vị Chủ tịch xã ngậm ngùi.

Thủy điện xả lũ gãy cầu, dân hối hả kéo nhau lên núi

Thủy điện xả lũ gãy cầu, dân hối hả kéo nhau lên núi

Lượng nước đổ về quá lớn khiến thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ gây ngập úng nhiều nơi ở huyện Tương Dương (Nghệ An).

Phạm Tâm - Quốc Huy