Trong thời buổi làm ăn hiện nay, muốn bán được sản phẩm, việc chủ động, minh bạch nguồn gốc sản phẩm rất cần thiết, bởi nó tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh, tránh được việc giả mạo thương hiệu. Đây cũng là căn cứ để giúp chủ cơ sở giám sát nội bộ, bảo vệ trước pháp luật khi bị truy xuất nguồn gốc.

Năm nay, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương triển khai mô hình gắn mã QR cho các vườn vải đảm bảo quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn Global Gap.

77 hộ dân tại tổ sản xuất số 10 do ông Phạm Văn Giang làm tổ trưởng. Khi bà con chưa quen với cách làm mới, ông Phạm Văn Giang đi từng vườn để hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định chăm sóc, nhất là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng nồng độ và đúng thời gian: "Người nông dân không phải ai cũng có điện thoại thông minh và cũng toàn người cao tuổi. Chúng tôi mong là sẽ được tập huấn, hướng dẫn nhiều hơn để làm quen dần.

Năm nay mới có tổ số 10 được gắn mã QR nhưng chủ trương của Bộ và của tỉnh Hải Dương là sang năm sẽ gắn tất cả với những hộ gia đình trồng vải theo mô hình Global Gap để tất cả quả vải đều được truy xuất nguồn gốc, được xuất đi nước ngoài."

Gắn tem, mác truy xuất nguồn gốc bằng mã QR là công nghệ rất mới được ứng dụng vào những vườn vải. Việc này, giúp vải Thanh Hà, Hải Dương tiêu thụ tốt hơn khi xuất hiện trên sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, ngoài sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các công ty thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu cũng đầu tư các thiết bị thông minh để giám sát quy trình chăm sóc vùng nguyên liệu tập trung.

Thịt lợn thảo dược Bảo Thắng – một trong 84 sản phẩm nông sản của Lào Cai đang được truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, sản phẩm này ít được người tiêu dùng biết đến, bởi người dân chưa quen với việc mua thịt lợn đóng gói, có mã số, mã vạch và có tem truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng từ khi được dán tem truy xuất nguồn gốc thì cơ bản các nhà trường có tổ chức ăn trưa cho học sinh của huyện Bảo Thắng đã ký hợp đồng cung ứng. Lợi thế này đang giúp doanh nghiệp phải tính toán để có khoảng 150 đầu lợn, tương ứng với khoảng 15 tấn lợn hơi mỗi tháng để đáp ứng các hợp đồng.

Nhận thức rõ về lợi ích khi sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, nhiều doanh nghiệp, HTX của Lào Cai chủ động phân tích chất lượng nông sản, công bố trên bao bì nhãn mác, tạo niềm tin cho khách hàng. Khi HTX Tiên Phong Mường Vi khai thác thị trường thành phố Hà Nội thì một trong những yêu cầu của nhà phân phối đó là phải minh bạch thông tin sản phẩm. Sau hai tháng dán tem truy xuất nguồn gốc, lượng gạo Séng Cù của HTX cung ứng vào thị trường Hà Nội tăng khoảng 40%, dự ước năm nay đạt 200 tấn, bằng cả hai năm trước đó.

Hiện Lào Cai có 13 Doanh nghiệp, HTX với 84 sản phẩm nông sản được minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản an toàn, được đánh giá, kiểm định để cấp mã QR - Code, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại Smartphone tìm kiếm thông tin, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp nâng cao giá trị của nông sản Lào Cai.

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc mới được quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc có thể hiểu là giải pháp cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ghi nhận tất cả các thông tin, chuyển động của sản phẩm mỗi khi phát sinh thông tin từ lúc bắt đầu sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Mục đích cuối cùng là để có thể theo dõi và truy lại chính xác được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình hình thành ra nó trong chuỗi cung ứng.

Một hệ thống truy xuất nguồn gốc cần có sự liên kết giữa các mắt xích, các đơn vị trong chuỗi để mang lại lợi ích cho các bên tham gia, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, một trong những yêu cầu mà các vùng nông thôn mới văn minh đang hướng tới.

Nguyễn Thị Lê, Nguyễn Ngọc Quý, Đỗ Thị Thúy Nga, Nguyễn Thái Khang