Thời gian qua dự án BMGF-VN đã cung cấp 12.670 hệ thống máy tính có kết nối Internet cùng máy in và các phụ kiện hoàn chỉnh cho 1.900 Thư viện công cộng (TVCC) và Điểm Bưu điện văn hóa (BĐVHX) xã tại 40 địa phương trên cả nước.

“Xây dựng đời sống văn hóa thông tin và truyền thông nông thôn” là một trong 19 tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia Nông thôn mới, được cụ thể hóa bằng yêu cầu: Có điểm Bưu điện và Internet băng rộng và Có điểm thư viện xã đạt chuẩn trong nhà văn hóa xã. Trong những năm qua, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”(Dự án BMGF-VN) đã nỗ lực góp phần phát triển hạ tầng công công nghệ thông tin bằng việc đưa Internet về nông thôn của 40 tỉnh, phần lớn là các tỉnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Trên thực tế, Dự án BMGF-VN đã cung cấp 12.670 hệ thống máy tính có kết nối Internet cùng máy in và các phụ kiện hoàn chỉnh cho 1.900 TVCC và Điểm BĐVHX với cơ cấu: TVCC tỉnh: 25-40 bộ máy tính, 1 máy in và thiết bị phụ trợ; TVCC huyện: 10 bộ máy tính, 1 máy in và thiết bị phụ trợ; BĐVHX, TVCC xã: 5 bộ máy tính, 1 máy in và thiết bị phụ trợ; Trung tâm đào tạo vùng: 20 bộ máy tính, 1 máy in và thiết bị phụ trợ.

Dự án BMGF-VN đã giúp các khu vực ít hoặc không có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trước đây, nhất là các vùng nghèo, vùng khó khăn, gia tăng đáng kể số điểm truy nhập máy tính và Internet với tỉ lệ 96,7%; số máy tính được kết nối Internet tăng 95,6%, triển khai công nghệ mới về máy tính và Internet phù hợp với những khu vực ít hoặc không có trước đây.

{keywords}
Chị em tìm hiểu kiến thức Internet tại một điểm truy cập dự án BMGF-VN

Dự án đã xây dựng nền tảng hạ tầng thông tin bằng việc lắp đặt miễn phí máy tính, cung cấp các phần mềm, ứng dụng phù hợp với yêu cầu của các nhóm đối tượng cũng như hỗ trợ, vận hành kỹ thuật, bảo hành, bảo hiểm trang thiết bị, hỗ trợ cước phí đường truyền, bản quyền sử dụng phần mềm…

Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, Dự án đã hỗ trợ người dân nghèo, nhóm đối tượng thiệt thòi và những người sống ở vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại, từ đó đạt được mục tiêu về cải thiện đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội. Đã có hơn 2 triệu lượt cư dân các địa phương đến các điểm và sử dụng gần 12 triệu giờ truy nhập máy tính, tìm kiếm thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau, không ít trường hợp đã thành công khi vận dụng kiến thức vào đời sống.

Tuy nhiên, do triển khai trên quy mô rộng, địa bàn thuộc 40 tỉnh, nên dự án không tránh khỏi những khó khăn. Bên cạnh đó, sự đáp ứng yêu cầu đối ứng về tài chính, cơ sở vật chất của nhiều địa phương còn nhiều trở ngại. Chưa kể, năng lực của đội ngũ nhân viên tại các điểm, nhất là tuyến xã, chưa đáp ứng yêu cầu, công tác điều phối gặp khó khăn do có nhiều bên liên quan tham gia triển khai.

Để phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Dự án đang thực hiện đa dạng hóa hình thức, nội dung truyền thông để phù hợp hơn với nhiều nhóm đối tượng, nhất là đối tượng đích; Tăng cường công tác vận động, nhất là các cấp lãnh đạo để hiều rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của Dự án, từ đó có sự hỗ trợ tích cực; Đảm bảo các nguồn lực về cơ sở vật chất, tài chính và con người, nâng cao năng lực phục vụ của các điểm tiếp nhận dự án để duy trì hiệu quả hoạt động, đảm bảo tính bền vững; Phát triển nội dung thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng và thúc đẩy sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan, các đơn vị của địa phương trong triển khai Dự án.

Minh Tuấn