Hà Nội hiện có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng do TP quản lý và 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý. Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn hiện có 11 chung cư xếp hạng D (hạng đặc biệt nguy hiểm) cần phải cải tạo, tuy nhiên, đến nay mới có 1 dự án (B14 Kim Liên) hoàn thành xây mới, 10 khu chung cư nguy hiểm khác vẫn loay hoay thương thảo giải phóng mặt bằng.
Các khu tập thể (KTT), chung cư ở Hà Nội được xây dựng từ những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước, từ chủ trương xây dựng nhà ở để phân phối cho cán bộ, công nhân viên. Thời điểm đó, Nhà nước đã đầu tư vốn để xây dựng hơn 3 triệu m2 nhà chung cư, KTT để giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Nay các KTT, chung cư đó đã 40 – 50 năm tuổi, hầu hết đã đến giai đoạn xuống cấp, cần phải phá đi, xây mới để đảm bảo an toàn.
Thế nhưng, rất nhiều công trình chung cư nguy hiểm đã có quyết định của thành phố phải cải tạo từ 7 – 10 năm trước nhưng nay vẫn án binh bất động như các KTT Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Quỳnh Mai, Giảng Võ, Thành Công… Điển hình như KTT Nguyễn Công Trứ, dù được Hà Nội coi là dự án thí điểm thực hiện cải tạo từ năm 2002 để xây lại nhưng hiện vẫn “án binh bất động”. Cùng thời là KTT Văn Chương, quận Đống Đa có quyết định cải tạo, xây mới tính đến nay đã hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa thể khởi công.
Một rào cản lớn của tiến trình cải tạo chung cư cũ chính là giải phóng mặt bằng, khi người dân một mặt muốn ở nhà mới an toàn, tiện nghi, mặt khác lại muốn phương án đền bù “có lợi nhất”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn -Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết, các dự án không giải phóng được mặt bằng là do người dân đòi diện tích tái định cư tại chỗ tăng gấp từ 1,5 – 2 lần, cao hơn so với quy định của TP (1,3 lần) mới chịu di dời.
Theo đó, nếu đáp ứng yêu cầu của dân thì cải tạo 1 khu nhà 5 tầng, DN phải xây cao 10 tầng trả cho dân và phải được xây thêm khoảng 10 tầng nữa mới có lãi. Nhưng theo Quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, khu vực 4 quận nội thành không được xây cao tầng để hạn chế áp lực dân cư lên cơ sở hạ tầng, giao thông… trong khu vực.
Những mâu thuẫn nêu trên khiến chương trình cải tạo chung cư cũ bị “đóng băng” nhiều năm nay.
Giải quyết mâu thuẫn này thế nào, ông Lê Văn Thịnh - Trưởng phòng Giám định I, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng - lại đưa ra giải pháp là Hà Nội quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh một vài khu đô thị gồm có cả nhà bán và nhà cho thuê, với hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ, đầy đủ trường học, bệnh viện, công viên, khu thương mại, khu thể thao… Người dân có cơ hội so sánh và có nhiều lựa chọn khi quyết định về ở những khu nhà mới này.
Nếu thuê nhà, họ vừa có nhà ở vừa có khoản tiền dư ra vài tỉ từ tiền đền bù của nhà nước; nếu đổi nhà thì diện tích được quyền đổi gấp đôi hoặc gấp ba (tùy sự cân đối giá nhà chung cư nội, ngoại thành). Người dân khi thấy được lợi ích là di chuyển để có diện tích sống rộng hơn, môi trường, dịch vụ sống tốt hơn, họ sẽ tự nguyện di dời ra đô thị ngoại thành.
Hà Nội đang hy vọng sẽ tìm thấy “lối thoát” cho vấn đề cải tạo chung cư cũ đang bế tắc, vừa cải tạo được các khu nhà đang xuống cấp, vừa giãn được dân trong nội thành ra ngoại thành, vừa giúp người dân tái định cư có thêm nguồn tài chính để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, đồng thời cũng tạo đầu ta cho các ngành vật liệu xây dựng...
(Theo PLVN)