- Đề xuất bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính” song Bộ Tư pháp cũng không thừa nhận việc kết hôn như trên.

Trong buổi họp báo công tác tư pháp quý 2/2013 diễn ra sáng 26/7 tại Hà Nội, Bộ tư pháp cho biết đang tiếp tục soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó thu hút hơn cả là vấn đề kết hôn đồng giới và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Quan điểm về kết hôn đồng giới: Bước tiến lớn

Liên quan đến vấn đề kết hôn của những người có cùng giới tính, Bộ Tư pháp cho biết trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo đề xuất bãi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính (được quy định tại khoản 5, điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành).

{keywords}
Hình ảnh của một cặp đôi đồng tính trong đám cưới đồng tính tập thể lớn nhất vừa diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 vừa qua (Ảnh: ANTĐ)

Tuy nhiên, kế thừa quy định về kết hôn, Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người có cùng giới tính mà chỉ quy định việc giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính thì được áp dụng các quy định về giải quyết hậu quả việc nam, nữ sống chung như vợ chồng (ví dụ: Mặc dù không thừa nhận nhưng khi hai người cùng giới tính không chung sống nữa, họ cũng được áp dụng các quy định của pháp luật về phân chia tài sản như các cặp vợ chồng bình thường khác).

Thông tin này đã khiến nhiều người có mặt tại buổi họp báo băn khoăn. Bởi không cấm nhưng cũng không thừa nhận thì thực chất không khác gì nhau, sẽ ảnh hưởng đến quyền công dân và cả quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước về vấn đề kết hôn.

Trả lời về vấn đề này, ông Dương Đăng Huê, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) cho biết thay từ “cấm” bằng từ “không thừa nhận” nhìn qua thì có vẻ là không khác gì nhau nhưng thực chất đó là sự thay đổi lớn.

“Từ cấm đến không thừa nhận là sự thay đổi thái độ của chúng ta với vấn đề kết hôn đồng giới. Cấm là phản đối toàn bộ, là không được làm nhưng không thừa nhận có nghĩa là nếu anh muốn thì anh cứ làm, còn tôi không thừa nhận. Nó khác nhau nhiều về sắc thái”, ông Huệ phân tích.

Từ đây, ông Huệ nhấn mạnh: “Sự thay đổi ở mức độ này là phù hợp với trình độ, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của chúng ta. Phong tục tập quán của ta đang thế này mà đưa ra công nhận hôn nhân đồng giới thì chưa phù hợp”.

Ông cũng dẫn chứng: Trong khoảng gần 200 quốc gia trên thế giới đề cập đến vấn đề này thì mới chỉ có 11 quốc gia thừa nhận, châu Á chưa có quốc gia nào cho phép. Ngay tại một nước phát triển như Pháp nhưng vấn đề này cũng còn gây rất nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trong dự thảo sửa đổi lần này, bên cạnh việc bỏ từ cấm như trên, Bộ tư pháp còn đề cập đến khía cạnh giảm phân biệt kì thị (hiện đang rất nặng nề) và cả giải pháp pháp lý để xử lý hậu quả sau sống chung của những đối tượng này.

Bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Trong lần sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình lần này, Bộ tư pháp đề xuất sửa quy định tuổi kết hôn của nam giới từ 20 xuống đủ 18.

Theo đó, sửa quy định tại khoản 1 điều 9 theo hướng nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn.

Bộ Tư pháp cho rằng quy định này sẽ đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự và một số lĩnh vực hoạt động xã hội khác.

Bộ Tư pháp cũng bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Song điều quan trọng là làm sao phải phòng ngừa, ngăn chặn được việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Vì thế, Bộ Tư pháp cho biết việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên cơ sở quy định chặt chẽ, cụ thể về người mang thai hộ, nhờ người mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên cùng trách nhiệm pháp lý.

Bộ Tư pháp cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền giải quyết việc thuận tình ly hôn để các cặp vợ chồng không nhất thiết phải tới tòa án để giải quyết việc thuận tình ly hôn.

Theo đó, vợ chồng có thể lựa chọn giải quyết việc thuận tình ly hôn của mình tại cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tòa án nếu đảm bảo đủ 3 điều kiện: vợ chồng thuận tình ly hôn; không có tranh chấp về tài sản; không có tranh cấp về việc nuôi con chưa thành niên hoặc cấp dưỡng, chăm sóc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự... Các trường hợp không đáp ứng được 3 điều kiện trên thì được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại tòa án.

Xác định Luật hôn nhân và gia đình lần này không thể sửa một số điều mà phải sửa cơ bản, ông Huệ cho biết tháng 10 này luật sẽ được trình Quốc hội xem xét.

Cẩm Quyên