Hưởng thụ văn hóa đang có sự chênh lệch giữa nông thôn với thành thị và là thứ xa xỉ đối với nông thôn, miền núi; phải làm gì để xóa dần sự chênh lệch đó?

Một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 33-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là: “Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội”. 

Để đạt mục tiêu Nghị quyết đã đặt ra, tạo dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo đó xóa dần khoảng cách, giảm sự chênh lệch trong việc hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền vừa qua đã được thể hiện rất đậm nét trong các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai.

Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế - xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân…

Chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao.

Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; có ít nhất 5 di sản được UNESCO ghi danh theo Công ước của UNESCO.

vanhoa.png
Bảo tồn văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng rừng Trường Sơn

Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương. Bảo đảm khoảng 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Hàng năm có 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng được công bố. Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm.

Tiêu chí văn hoá trong Chương trình xây dựng nông thôn mới 

Theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội  phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, một trong những mục tiêu tổng quát của Chương trình là: "Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững".

Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các nội dung chủ yếu về văn hóa được quy định trong 03 nội dung thành phần:

Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới (Nội dung 05: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn);

Phát triển kinh tế nông thôn (phát triển du lịch nông thôn, Nội dung 08: Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị);

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn (Nội dung 01: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân (nhất là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi). Phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.  Nội dung 02: Tăng cường kiểm kê, ghi danh các di sản văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nghiên cứu, mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc phục vụ phát triển du lịch).

Tiêu chí văn hoá trong Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN 

Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã quy định mục tiêu tổng quát trong lĩnh vực văn hóa của Chương trình là: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.

Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát, Chương trình đã đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như sau: Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Tổ chức khoảng 320 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; bảo tồn 120 lễ hội, 80 làng bản, buôn truyền thống phục vụ phát triển du lịch; xây dựng 240 mô hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, 800 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng 3.590 thiết chế văn hoá, thể thao thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng 80 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong số các dự án cụ thể của Chương trình, Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã đề ra mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Dự án 6 là 5.984,059 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 3.233,528 tỷ đồng (vốn đầu tư: 1.828,9 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 1.404,628 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 2.224,776 tỷ đồng; Vốn huy động hợp pháp khác: 525,755 tỷ đồng.

Hồng Anh