Năm 2006, hình ảnh ông Trần Quốc Thuận, khi đó là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH), ngồi sau xe ôm đi làm gây ấn tượng mạnh đối với công luận.

Chỉ tiếc rằng việc ông Thuận dùng xe ôm đi làm chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn không được nhân rộng. Sau đó tám năm, tức năm 2014, ông Đỗ Mạnh Hùng lúc còn là phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH (hiện là phó chủ nhiệm Văn phòng QH) cũng thực hiện việc khoán xe công.

Còn nhớ thời điểm năm 2006, Ủy ban Thường vụ QH thông qua nghị quyết về khoán xe công. Nghị quyết được ban hành nhưng sau đó không mấy cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc ông Thuận đi làm bằng xe ôm hồi đó cứ như chuyện cổ tích giữa đời thường. Người ta khen ông cũng có, chê ông cũng nhiều. Thậm chí có người còn bảo ông làm màu, ra vẻ.

{keywords}


Có nhiều lý do dẫn đến việc ông Thuận, ông Hùng không còn nhận khoán xe công nhưng việc một phó chủ nhiệm Văn phòng QH và một phó chủ nhiệm ủy ban của QH nhận khoán xe công thời điểm đó là một điểm mới trong bối cảnh xe công được sử dụng vô tội vạ. Xã hội đã chứng kiến không ít cảnh xe công lộng hành chạy ngược đường, giành đường, hạnh họe cả lực lượng cảnh sát giao thông…

Năm 2015, Bộ Tài chính công bố ngân sách nhà nước mỗi năm phải chi hơn 13.000 tỉ đồng nuôi xe công, mỗi chiếc xe công mỗi tháng “ngốn” ngân sách khoảng 320 triệu đồng. Một chút nghĩ ngợi và suy tư khi để ý đến những trường học ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, những bệnh nhân đang nằm ghép ở những bệnh viện đông đúc, nhiều nơi dân khó khăn đến tột cùng khi cái ăn, cái mặc hằng ngày vẫn là niềm mơ ước...

Bởi vậy, việc Bộ Tài chính mới đây khoán xe công cho các thứ trưởng đã ít nhiều trở thành tấm gương tốt cho các bộ, ngành khác noi theo. Dẫu dư luận còn nhiều ý kiến nhưng động thái này của Bộ Tài chính khiến công luận hy vọng vào một chủ trương đúng đắn mà bao năm qua cả hệ thống chính trị nhắm tới là thực hành tiết kiệm.

Các vị thứ trưởng được khoán xe công nói trên chắc cũng không vì thế mà làm việc kém hiệu quả và Bộ Tài chính cũng không vì thế mà giảm uy tín khi xe công không còn là những đặc quyền. Ngược lại, rất có thể họ sẽ trở nên đẹp giản dị hơn trong mắt người dân. Đó chẳng phải là cái uy (ở đây là uy tín chứ không phải uy quyền) cần nhất mà quan chức nên có trong mắt dân hay sao?

(Theo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh)