- Sáng 17/11, tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty điện lực miền Nam đã tổ chức lễ khởi công dự án cáp ngầm 110 kW xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc.

Đây là hạng mục cuối cùng trong dự án đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc được triển khai từ năm 2007 

Theo Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC), từ ngày 17/11, công tác lắp đặt đoạn cáp ngầm đầu tiên sẽ được thực hiện tại vùng biển xã Hàm Ninh (Phú Quốc), sau đó kéo vào bờ biển Hà Tiên, tại xã Thuận Yên.

{keywords}

 Lãnh đạo Bộ Công thương và Tổng công ty điện lực miền Nam làm nghi thức khởi công dự án

Toàn bộ chiều dài của tuyến cáp là 58km. Đây là dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam và cũng là dự án cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á

Loại cáp sử dụng là cáp ngầm 3 lõi, tiết diện 630 mm2, trị giá 1.932 tỉ đồng. Tổng đầu tư của dự án này là 2.336 tỉ đồng, vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của EVN SPC.

{keywords}

 Cận cảnh đoạn cáp ngầm xuyên biển

Đến nay EVN SPC đã hoàn thành 100% các hạng mục trên bờ, phần thi công cáp ngầm (khoảng 25 ngày) sẽ do nhà nhà thầu Prysmian Powerlink SRL (Ý) triển khai thực hiện. Hiện nhà thầu đã chuyển cáp đến điểm tiếp bờ Phú Quốc. Dự kiến sẽ xong việc lắp đặt cáp ngầm và đấu nối vào ngày 13/1/2014 để kịp cung cấp điện cho dân đảo Phú Quốc trước Tết Nguyên đán 2014.

Về kỹ thuật rải cáp ngầm dưới đáy biển, nhà thầu thống nhất chọn phương pháp rải và chôn cáp đồng thời. Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp.

Theo Tổng giám đốc EVN SPC Nguyễn Thành Duy, Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất nước ta, diện tích 593 km2, dân số 103 ngàn người. Lâu nay việc sử dụng nguồn điện diesel nên giá thành điện rất cao; giá bán điện bình quân hiện nay trên huyện đảo là 5.060 đ/kWh nhưng hàng năm ngành điện vẫn phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng (năm 2013 khoảng 200 tỷ đồng).

“Dự án cũng đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục, ổn định ít nhất đến năm 2020, là điều kiện tiền đề để phát triển đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng và là khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước” – ông Duy khẳng định

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đặc biệt nhấn mạnh lợi ích mà dự án mang lại cho đời sống người dân huyện đảo. Từ  việc phải dùng giá điện cao gấp 3 đến 16 lần so với đất liền (trung bình 5.060 đồng/kWh, cao nhất là 22.000 đồng/kWh so), sau khi dự án đưa vào sử dụng, người dân sẽ dùng điện với giá bình thường hiện nay là 1.500 đồng/kWh.

Ông Hoàng đặt chỉ tiêu: “Tôi tin rằng bằng sự nỗ lực của chủ đầu tư, từ nhà thầu, đơn vị thi công…Tết Giáp Ngọ tới đây, người dân huyện đảo Phú Quốc sẽ lần đầu tiên đón nhận dòng điện quốc gia”

Thái Thiện