- “Đã làm nghề này (thầy thuốc - PV), không ai muốn có tai biến và cố ý để tai biến xảy ra, không có bác sỹ nào chủ tâm làm mẹ chết con chết. Nguyên nhân gây ra tai biến thì có rất nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó có những tai biến là bất khả kháng”, Tiến sĩ Lý Ngọc Kính chia sẻ.

Về vấn đề người bệnh luôn đuối lý trong quá trình khiếu nại với các bệnh viện (BV) khi có tai biến xảy ra, đặc biệt là các tai biến gây tử vong, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lý Ngọc Kính.

“Không bác sỹ nào chủ tâm làm bệnh nhân chết”

Xin ông cho biết tai biến trong y khoa có tính chất như thế nào và vì sao tai biến trong sản khoa luôn là điều khiến bệnh nhân bức xúc nhất?

- Trong y khoa, không có bất kì một thủ thuật hay loại thuốc nào được sử dụng cho bệnh nhân mà lại không tiềm ẩn tai biến. Trong ngành y tế, không ai dám nói chắc trước rằng không có nguy cơ tai biến.

TS Lý Ngọc Kính, nguyên cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế (Ảnh: C.Q)

Còn nguyên nhân gây tai biến có thể do chủ quan, khách quan, lại có những tai biến là bất khả kháng. Có thể tiêm nhầm thuốc, nhiễm trùng vết mổ, mổ nhầm,... cũng là tai biến, nhưng tổn hại đến sinh mạng thì người bệnh thường khiếu kiện.

"Không bác sỹ nào chủ tâm làm bệnh nhân chết"

Tuy nhiên, tôi phải khẳng định một điều rằng: Đã làm nghề này, không ai muốn có tai biến, không ai chủ tâm làm mẹ, con hoặc cả hai mẹ con cùng chết.

Chỉ có thể là do kiến thức, khả năng tiên lượng bệnh còn hạn chế hoặc điều kiện làm việc không thuận lợi khiến sai sót phát sinh.

Cái chết nào ở đây cũng đều là không mong muốn, có những tai biến là bất khả kháng (như tai biến tắc mạch ối, nước ối lọt vào mạch máu gây tắc mạch phổi gây tử vong, cái đó thì bó tay, không ai biết trước hay xử lý được).

Hiện nay, tai biến bị khiếu nại nằm nhiều trong sản khoa bởi khi vào đẻ, sản phụ không phải người bệnh đau ốm sẵn mà là một người khỏe mạnh bình thường đi đẻ (hiện tượng sinh lý bình thường).

Trước khi đi đẻ, mẹ vẫn khỏe, con vẫn khỏe, vậy mà sau cuộc đẻ, có thể mẹ chết, có thể con chết hoặc cả hai đều chết. Như vậy thì quá bức xúc vì người ta đang khỏe mạnh bình thường, lại trẻ tuổi, gia đình thì đang kỳ vọng quá nhiều nên người ta rất xót… Đây cũng là điều dễ hiểu.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức nào từ Bộ Y tế về các khiếu nại liên quan đến lĩnh vực sản khoa nói riêng, nhưng thực tế cho thấy người bệnh và gia đình thường không bao giờ giành được ưu thế nếu khiếu kiện BV. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Theo quy định của Bộ Y tế, khi có khiếu nại của bệnh nhân, BV đó phải lập hội đồng khoa học và kiểm thảo tử vong, thông báo lại cho gia đình. Ngoài ra, BV và bác sỹ trực tiếp liên quan thường có hình thức hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho họ.

Khi hội đồng khoa học của BV đã có kết luận mà gia đình vẫn không chấp nhận thì có thể gửi đơn lên Sở Y tế, Bộ Y tế. Nếu qua cả 3 cấp mà vẫn không thỏa mãn được gia đình thì phải ra tòa giải quyết.

Về việc người bệnh cho rằng họ luôn đuối lý trước các BV vì không có chuyên môn để đấu tranh thì hiện nay luật Khám chữa bệnh đã quy định rất rõ rằng người bệnh có quyền mời luật sư để tham gia các khiếu kiện này.

Luật này cũng quy định rõ luật sư bào chữa cho bệnh nhân có quyền được sử dụng bệnh án của bệnh viện (người bệnh chỉ có quyền được thông báo tóm tắt thôi, còn luật sư có quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án). Luật sư đã nhận bào chữa thì phải liên hệ với các nhà chuyên môn để tìm bằng chứng bảo vệ người bệnh. 

Như vậy, về chuyên môn thì người bệnh không thể so với bác sỹ nhưng khi có sự cố, họ có đầy đủ công cụ pháp luật để trợ giúp.

Không tin lời giải thích của bệnh viện: Điều dễ hiểu

Những giải đáp của phía BV, của Sở, Bộ, nhiều khi cũng không khiến người bệnh thỏa mãn, vì họ cho rằng 3 cấp đó phải bảo vệ lợi ích của nhau, vì bệnh thành tích. Do đó, những giải đáp khó có thể đảm bảo tính khách quan. Theo ông, khía cạnh này nên được hiểu thế nào?

- Đây là điều dễ hiểu vì tâm lý gia đình bệnh nhân rất bức xúc bởi khi đã mất người thân, mọi lời giải thích đều khó được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu hội đồng của BV, của Sở có thể vì lý do này khác mà họ thông cảm cho nhau nhưng lên đến Bộ, chủ yếu là các GS đầu ngành, họ không bị điều gì gây áp lực cả.

Nếu giải thích của các GS đầu ngành này vẫn không thỏa mãn thì có thể sử dụng luật sư, tòa án. 

 
Nếu các giải thích của các GS đầu ngành này vẫn không thỏa mãn thì người bệnh có thể sử dụng luật sư, tòa án để đảm bảo tính khách quan. (Ảnh: C.Q)

Hiện tại, tai biến trong y khoa tại Việt Nam ở mức độ nào, thưa ông? Tỷ lệ tai biến gây tử vong là bao nhiêu?

- Theo những nghiên cứu (chưa được đầy đủ, không được tiến hành trên phạm vi toàn quốc) thì tỷ lệ tai biến trong y khoa ở Việt Nam là 10% (gồm tất cả các tai biến ở mọi mức độ). Thống kê về các tai biến gây tử vong thì chưa có con số chính xác.

Vậy những tai biến đó có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Khi xảy ra tai biến (nhất là tai biến khiến người bệnh tử vong) thì có rất nhiều lỗi: chủ quan, khách quan.

Lỗi chủ quan là do khả năng chẩn đoán, tiên lượng của bác sỹ còn hạn chế. Lỗi khách quan là do quá tải khiến chất lượng khám chữa bệnh giảm, làm tăng sai sót. Bệnh nhân đông quá khiến bác sỹ mệt mỏi và đẩy họ đến tình thế dễ mắc sai sót. Đó là chưa kể đến những vấn đề như môi trường, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ bất cập... tác động tiêu cực khiến tinh thần họ bị chi phối. Đó là lỗi hệ thống.

Theo ông, luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2011 đã có tác động như thế nào đến quyền lợi người bệnh, nhất là khiếu nại vì để xảy ra tử vong? Nếu qua hết các cấp mà vẫn không thỏa mãn, người bệnh cần làm gì?

- Trước đây, chỉ có cơ quan công an và viện kiểm sát mới có quyền tiếp cận, sao chép hồ sơ bệnh án. Nhưng trong luật này thì quy định rõ luật sư bào chữa cho người bệnh cũng được tiếp cận. Đây là điều kiện thuận lợi để bảo đảm quyền của người bệnh.

Còn trong trường hợp đã khiếu nại qua hết các cấp mà vẫn không thỏa mãn thì như tôi đã nói, người bệnh có thể đưa vụ việc ra Tòa án để giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm Quyên (thực hiện)