- GS. TS Vũ Minh Giang, ĐHQG Hà Nội, đã khẳng định như vậy tại hội thảo nhân kỷ niệm 110 năm ngày thành lập ĐH Đông Dương diễn ra sáng nay, 16/5.
Nghiên cứu và đánh giá đúng đắn về vai trò, vị trí của ĐH Đông Dương sẽ là cơ sở cho những suy ngẫm về đổi mới giáo dục đại học hiện nay tại Việt Nam. Đó là tinh thần được nhiều nhà khoa học đồng tình trong cuộc hội thảo quốc tế "ĐH Đông Dương trong nền giáo dục Pháp- Việt nửa đầu thế kỷ XX- Những vấn đề lịch sử và văn hóa" diễn ra sáng 16/5.
Hội thảo kỷ niệm 110 năm thành lập Đại học Đông Dương diễn ra sáng nay, 16/5. Ảnh: Lê Văn. |
PGS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định, sự ra đời của ĐH Đông Dương đánh dấu bước ngoặt trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, từ nền giáo dục Nho học tới nền giáo dục hiện đại, khoa học, thực chứng với sự ra đời hàng loạt các ngành khoa học cơ bản: Y học, Dược học, Quản lý công, Luật học, Lịch sử.
"ĐH Đông Dương góp phần đào tạo những nhà khoa học, nhà văn hóa mà tên tuổi của họ là niềm tự hào của nền học thuật giáo dục Việt Nam như: Vũ Đình Hoàng, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và rất nhiều những cái tên khác", PGS Minh nói.
Ông Minh cũng khẳng định, kỷ niệm 110 năm ra đời của ĐH Đông Dương là lúc chúng ta "ôn cố tri tân", nhắc nhở một nguyên tắc nguyên tắc: Một xã hội muốn phát triển phải lấy giáo dục làm nền tảng, chúng ta có trách nhiệm hợp tác các nhà khoa học trong và ngoài nước phát huy các giá cốt lõi của ĐH là khai sáng, bình đẳng, tự do, hợp tác và tiến bộ xã hội.
PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ thường trực ĐHQG Hà Nội cũng khẳng định lại vị thế của ĐH Đông Dương trong vài trò là một biểu tượng cho sự khởi đầu của giáo dục Việt nam thời hiện đại.
"Con đường lịch sử ĐH Đông Dương từ đó tới nay có nhiều bước thăng trầm song đó cũng là những bước phát triển quan trọng của giáo dục đại học và tri thức của Việt Nam", PGS Sơn khẳng định.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cũng khẳng định, sự ra đời của ĐHQG Hà Nội vào năm 1993 là sự khẳng định đối với mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở tiếp nối truyền thống học thuật từ ĐH Đông Dương và phát huy truyền thống đó lên tầm cao mới.
"Có thể thấy sự kế thừa mô hình, vị thế học thuật, định hướng, tính chất của ĐHQG Hà Nội từ ĐH Đông Dương nhưng đã được phát triển lên tầm vóc mới", PGS Sơn khẳng định.
Ông Sơn cũng cho rằng, hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học làm rõ thêm những vấn đề lịch sử của một giai đoạn đặc biệt giáo dục Việt Nam, giai đoạn định hình giáo dục hiện đại, phần khởi đầu của giáo dục đại học Việt Nam.
"Chúng ta cần rút ra bài học lịch sử từ giai đoạn hội nhập quốc tế bị động cho những vấn đề của ngày hôm nay. Từ kinh nghiệm lịch sử, khẳng định và định hướng phát triển cho ĐH Quốc gia trong hiện tại và tương lai. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay", PGS Sơn khẳng định.
Trong bài tham luận đầu tiên tại hội thảo với tiêu đề "Từ ĐH Đông Dương đến ĐHQG Hà Nội - Suy nghĩ về xu hướng của giáo dục đại học hiện đại Việt Nam", GS. TS Vũ Minh Giang, ĐHQG Hà Nội đã dành khá nhiều trăn trở cho hướng đi ĐHQG Hà Nội và cũng là giáo dục đại học tại Việt Nam trong tương lai.
GS Giang cho rằng, khi quá trình đổi mới bắt đầu, mô hình thành lập các trường ĐH chuyên ngành vốn được xây dựng để phục vụ nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ bắt đầu bộc lộ những điểm hạn chế. Chính vì vậy, ĐHQG Hà Nội đã được thành lập theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ chất lượng cao cho nền giáo dục Việt Nam.
Từ đó, GS Giang cho rằng, để thực hiện được mục tiêu "tạo ra diện mạo giáo dục quốc gia xứng tầm khu vực và quốc tế", ĐHQG Hà Nội cần phải tính đến việc chọn ra những thế mạnh của mình để tập trung đầu tư phát triển chứ không nên và không thể phát triển dàn trải.
"Các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Cambridge… cũng chỉ có một số lĩnh vực nổi trội hàng đầu thé giới, tạo ra danh tiếng của họ. ĐHQG Hà Nội cũng không thể đặt ra mục tiêu chất lượng cao, trình độ cao một cách chung chung mà phải chọn ra các lĩnh vực cụ thể để phát triển và tạo nên bản sắc của mình", GS Giang khẳng định.
ĐH Đông Dương được thành lập vào ngày 16/5/1906 theo quyết định của Toàn quyền Paul Beau. Đây được coi là mô hình ĐH đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao, đồng thời là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều lãnh đạo, trí thức tiêu biểu của Việt Nam sau này đều từng là sinh viên của ngôi trường do chính thực dân Pháp lập ra: Cố Tổng bí thư Trường Chinh từng là sinh viên Trường Thương mại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là sinh viên khoa Luật… Năm 1956, ĐH Tổng hợp HN thành lập trên cơ sở kế thừa toàn bộ di sản của ĐH Đông Dương. ĐH Tổng hợp đã trở thành "con chim đầu đàn" trong giáo dục ĐH Việt Nam, cái nôi đào tạo các ngành khoa học cơ bản, cung cấp nhân lực cho nhiều trường, viện, trung tâm nghiên cứu trong cả nước. Tới năm 1993, trong bối cảnh mới, ĐHQG Hà Nội được thành lập, là sự tiếp nối của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng được nâng lên ở tầm cao mới. Sự kế thừa của ĐHQG Hà Nội từ ĐH Đông Dương trước hết là danh tiếng của một trường ĐH tầm cỡ quốc tế. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, ĐHQG Hà Nội đã không ngừng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, nghiên cứu nhưng vẫn trên nền tảng thế mạnh là các ngành khoa học cơ bản, khoa học liên ngành theo xu hướng thế giới. |
Lê Văn (ghi)