Tăng cường kết nối, mở rộng đối tác tại thị trường Cuba

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến Thương mại năm 2023 với mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia và thương hiệu Việt, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, khả năng phát triển tại thị trường Cuba và khu vực Mỹ Latinh.

Tham dự lễ khai mạc có Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Thanh Tùng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Cuba Eduardo Rodríguez Dávila, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Cuba, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Xúc tiến Thương mại-Bộ Công Thương, Ban tổ chức FIHAV 2023, các cơ quan báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế, cùng các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác quốc tế.

Khu gian hàng quốc gia Việt Nam có diện tích 400m2, giới thiệu các ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến, gia dụng, vật liệu xây dựng, trang trí nội-ngoại thất, vaccine và chế phẩm sinh học.

Điểm nhấn đáng chú ý của Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam là cụm gian hàng của Thành phố Hồ Chí Minh, trưng bày các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp như gạo, gia vị, càphê, hoa quả sấy, bánh kẹo, đồ gỗ, tinh dầu, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, thực phẩm chức năng, máy và thiết bị chế biến trong nông-thủy sản...

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Eduardo Rodríguez Dávila cảm ơn Việt Nam đã duy trì quan hệ bền chặt, tốt đẹp, liên tục và hợp tác với đảo quốc Caribe trong hơn 60 năm qua, đặc biệt trong những thời điểm Cuba gặp nhiều khó khăn. Ông nhấn mạnh rằng hiện nay Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại châu Á lớn thứ hai, nhà đầu tư châu Á chính và là nguồn cung cấp gạo lớn nhất thế giới của Cuba.

FIHAV 2023 diễn ra từ ngày 6 đến 13/11 với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong thời gian diễn ra hội chợ, Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam đã vinh dự được đón tiếp Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel ghé thăm.

FIHAV là sự kiện thường niên có quy mô lớn nhất khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe. Nhìn chung, các sản phẩm của Việt Nam tại hội chợ nhận được nhiều đánh giá tích cực về chất lượng, đồng thời phù hợp với thị hiếu của thị trường Cuba nói riêng và khu vực Mỹ Latinh nói chung.

Việc đông đảo doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và tham dự triển lãm năm nay được xem là động thái tích cực của các doanh nghiệp hướng đến tăng cường hợp tác với các đối tác tại thị trường Cuba, tạo động lực cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trở lại trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp cũng xác định các nước Mỹ Latinh-Caribe là thị trường tiềm năng, với nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Việc thâm nhập thành công thị trường Cuba sẽ mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận sâu vào các thị trường khác thuộc khu vực Mỹ Latinh.

Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, Phòng Thương mại Cuba phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trong khuôn khổ FIHAV 2023 “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Cuba."

Diễn đàn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về cơ chế chính sách kinh tế đổi mới, ưu đãi thương mại, lĩnh vực đầu tư tiềm năng cũng như định hướng trong các hoạt động xúc tiến thương mại của các bộ, ngành và địa phương, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Cuba.

Hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Cuba có năng lực và kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm-đồ uống, thiết bị gia dụng, thủ công mỹ nghệ, máy móc kỹ thuật trong công-nông nghiệp, xây dựng-vật tư xây dựng, y tế đã tham gia diễn đàn.

Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhà máy sản xuất tại thị trường Cuba 

Với dân số 11 triệu dân, thị trường Cuba được đánh giá là rất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhà máy sản xuất.

dienan.png
Ảnh minh hoạ

Hiện tại, hàng Việt Nam có mặt tại hầu khắp các siêu thị, cửa hàng lớn ở Thủ đô La Habana của Cuba, chủ yếu là đồ gia dụng và thực phẩm. Một số doanh nghiệp không chỉ xuất hàng từ Việt Nam sang giới thiệu, phân phối ở Cuba mà đã bắt tay triển khai các dự án sản xuất hàng hóa ngay trên đất bạn.

Ngoài những thuận lợi về yếu tố thị trường, mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước trong nhiều năm càng tạo điều kiện để doanh nghiệp đôi bên tìm cơ hội hợp tác cùng phát triển.

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Thái Bình cho biết, với kinh nghiệm 25 năm đầu tư tại Cuba tôi thấy rằng đây là thị trường rất tiềm năng và phù hợp với văn hóa sản xuất vừa và nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam mình. Gần như 100% hàng tiêu dùng của Cuba đều phải nhập khẩu và chúng ta giành lợi thế nhất là về ngành thực phẩm, quần áo, giày dép và hàng tiêu dùng nhanh và Cuba không có nhu cầu về phân khúc hàng hóa cao, các doanh nghiệp trung bình vừa và nhỏ của Việt Nam cũng có thể đáp ứng được.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, do nhu cầu tăng cao nên khách hàng Cuba cũng chưa có những quy định khắt khe lắm đối với các loại sản phẩm để phục vụ nhu cầu đời sống ví dụ như các tiêu chuẩn quốc tế, các tiêu chuẩn đối với nông sản. Tuy nhiên nói vậy không phải là để doanh nghiệp mình làm ẩu tả, nói vậy để doanh nghiệp mình tìm hiểu và xây dựng một tiêu chuẩn riêng cho thị trường này trong thời gian tới.

Ngoài cơ hội về thị trường, trong những năm gần đây Cuba đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như miễn thuế quan trong quá trình xây dựng dự án, miễn thuế đánh vào lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 năm đầu tiên, miễn thuế bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ trong năm vận hành đầu tiên… Bên cạnh đó, Nhà nước Cuba đảm bảo nhà đầu tư được tự do chuyển lợi nhuận có được ra nước ngoài bằng đồng tiền tự do chuyển đổi mà không phải chi trả bất kỳ loại thuế, phí nào.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba ký kết tháng 11/2018 và chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp 2 nước tận dụng các ưu đãi thuế quan nhằm phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD trong 5 năm tới.

Ông Maury Hechavarria Bermúdez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba cho biết, để đạt được mục tiêu đạt kim ngạch song phương 500 triệu đô la trong 5 năm tới, thì đầu tiên phải có những chính sách những cơ chế giữa sự trao đổi đoàn từ cấp trung ương, cấp bộ ngành. Chúng ta cử các đoàn cấp cao, cử những đoàn công tác đến thực tế tình hình kinh tế, thế mạnh của hai nước để đưa ra những giải pháp để làm sao cụ thể hóa những chính sách của Đảng và Nhà nước hai bên.

PV