Trong đời sống sinh hoạt tiêu dùng ngày nay, hầu hết quan hệ giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng được xác lập thông qua các thỏa thuận, hợp đồng tiêu dùng; trong đó, xuất phát từ lý do như tận dụng lợi thế doanh nghiệp, để tiết kiệm chi phí soạn thảo, thời gian đàm phán riêng lẻ với người tiêu dùng, không ít doanh nghiệp đã lựa chọn hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung do chính họ soạn thảo để giao kết với người tiêu dùng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, với những dạng hợp đồng được soạn sẵn như vậy, người tiêu dùng thường không có cách nào khác ngoài việc từ chối giao kết nếu không đồng ý với bất kỳ điều khoản nào. Hoặc, đồng ý giao kết đồng nghĩa với việc phải chấp nhận toàn bộ các nội dung điều khoản do doanh nghiệp đưa ra.
Thông thường, khi giao kết hợp đồng, các bên luôn muốn cụ thể hóa thỏa thuận về mục đích, đối tượng, quyền và trách nhiệm của mỗi bên thông qua nội dung của hợp đồng.
Song trên thực tế, có không ít những hợp đồng theo mẫu được doanh nghiệp soạn thảo một cách sơ sài, đơn giản, thậm chí thiếu đi những nội dung “đáng lẽ” cần phải có, là nền tảng quan trọng cho việc đảm bảo quá trình thực thi hợp đồng.
Tuy nhiên, vì không được trực tiếp thỏa thuận, người tiêu dùng có thể sẽ phải gánh chịu những rủi ro, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng một khi chấp nhận giao kết với những hợp đồng thiếu rõ ràng như vậy, nhất là trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Do đó, yêu cầu về tính đầy đủ, toàn diện, rõ ràng về mặt nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong các giao kết hợp đồng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Về vấn đề này, Điều 398 Bộ Luật Dân sự quy định các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phương thức giải quyết tranh chấp.
Với vai trò là bộ luật gốc điều chỉnh các quan hệ dân sự, Bộ Luật không đưa ra quy định mang tính mệnh lệnh, bắt buộc về nội dung của hợp đồng mà chỉ quy định theo hướng gợi mở về những nội dung “có thể có” trong hợp đồng. Không phụ thuộc và ngoài những nội dung này, các bên có thể thống nhất thỏa thuận các nội dung khác trong hợp đồng, tùy thuộc vào ý chí, đối tượng và mục đích giao kết hợp đồng.
Thế nhưng, xuất phát từ sự bất lợi về vị thế giao kết và tiếp cận thông tin của một bên tham gia hợp đồng, Bộ Luật Dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng đưa ra nguyên tắc giải thích hợp đồng tại Khoản 6 Điều 404 Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”.
Bên cạnh đó, tại Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”.
Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nguyên tắc giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho người tiêu dùng như trên đã góp phần hạn chế rủi ro, bất lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng giao kết có nội dung không đầy đủ, rõ ràng hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau.
Riêng về nội dung của hợp đồng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành chưa đặt ra quy định những nội dung tối thiểu/phải có trong hợp đồng theo mẫu, mà quy định dưới góc độ là nguyên tắc giải thích hợp đồng và yêu cầu chung về tính rõ ràng, dễ hiểu của nội dung hợp đồng theo mẫu (Điều 7, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Đồng thời, với một số loại hình hợp đồng đặc thù như hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục, Khoản 1, Điều 18 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải có tên, địa chỉ liên lạc của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ; mô tả dịch vụ được cung cấp; chất lượng dịch vụ; thời điểm và thời hạn cung cấp dịch vụ; cách thức tính phí, giá dịch vụ; phương thức cung cấp dịch vụ và phương thức thanh toán.
Tương tự cách tiếp cận của Nghị định số 99/2011/NĐ-CP, một số quy định pháp luật chuyên ngành cũng quy định về hình thức và nội dung tối thiểu/bắt buộc phải có trong một số loại hợp đồng giao kết với khách hàng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các nội dung cơ bản phải có trong hợp đồng thường bao gồm: thông tin các bên; đối tượng của hợp đồng; chất lượng, giá cả của hàng hóa, dịch vụ; phương thức thanh toán giao nhận; thời hạn của hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên; chấm dứt hợp đồng; vi phạm hợp đồng; giải quyết tranh chấp; nội dung khác do các bên thỏa thuận. Ngoài ra, hợp đồng giao kết có thể phải có những nội dung khác tùy thuộc đặc thù lĩnh vực ngành và đặc thù giao kết hợp đồng.
Để đảm bảo quyền lợi và tránh những tranh chấp phát sinh từ những điều khoản không đầy đủ, rõ ràng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng dự định giao kết.
Mặt khác, người tiêu dùng nên nghiên cứu kỹ tất cả các điều khoản, nội dung của bộ hợp đồng. Khi thấy các nội dung trong hợp đồng chưa rõ ràng, đầy đủ thì cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện của nội dung hợp đồng theo quy định pháp luật.
Theo Bnews/ TTXVN