Thời gian gần đây, nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến việc giống tên doanh nghiệp liên tiếp xảy ra.



Điều đáng nói là, dù đã có phán quyết của tòa án, nhưng nếu doanh nghiệp cố ý chây ỳ, không đăng ký đổi tên, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không làm gì được, vì không có chế tài.

Khởi kiện để bảo vệ tên gọi

Mới đây nhất, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là Công ty cổ phần Phúc Sinh (quận 4, TP.HCM) buộc bị đơn là Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu nông sản Phúc Sinh (quận Tân Phú, TP.HCM) không được sử dụng thành phần “Phúc Sinh” trong tên doanh nghiệp và nộp phạt 23 triệu đồng.

Trước đó, vụ phúc thẩm xét xử tranh chấp tên “Se com” của Công ty TNHH Secom Việt Nam với Công ty TNHH Se Com (thành lập sau) cũng đã có phán quyết. Sau khi trưng cầu giám định, Tòa phúc thẩm xử rằng, tên của Se Com vi phạm tên của Secom Việt Nam và buộc Se Com phải chấm dứt dùng tên “Công ty TNHH Se Com” và tên viết tắt “Secom Co., Ltd.”, đồng thời bồi thường cho Secom Việt Nam 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư theo đuổi vụ kiện này.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phải vào cuộc giám định vụ việc tranh chấp tên gọi “Sàn giao dịch bất động sản Nam Tiến” giữa Công ty cổ phần Dịch vụ đầu tư xây dựng bất động sản Nam Tiến (B5-B6 Khu dân cư Kim Sơn, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP.HCM) và Công ty cổ phần Nam Tiến (95 - Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM). Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, Công ty cổ phần Nam Tiến sử dụng dấu hiệu “Nam Tiến” tương tự thành phần phân biệt trong tên thương mại của Công ty cổ phần Dịch vụ đầu tư xây dựng bất động sản Nam Tiến (đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu) cho cùng loại dịch vụ, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh và cơ sở kinh doanh.

Bị Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất nhựa ống Bình Minh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại và nhãn hiệu “Bình Minh”, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh đã khiếu tố vụ việc đến Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Cả hai công ty này cùng kinh doanh trong ngành nhựa, cùng hoạt động tại TP.HCM và cùng có tên thương mại, nhãn hiệu mang hai chữ “Bình Minh”. Nhựa Ống Bình Minh đã cam kết sẽ thực hiện tháo dỡ bảng hiệu và… đang xem xét việc thay đổi tên thương mại.

Chỉ cần vào trang dangkykinhdoanh.gov.vn gõ chữ “cổ phần Thanh Bình”, sẽ thấy xuất hiện tên 31 doanh nghiệp, gõ “thương mại Thanh Bình” thì có hơn 100 doanh nghiệp, còn gõ “dịch vụ Thanh Bình” có 51 doanh nghiệp… Tình trạng tương tự cũng xảy đến với những cái tên khá phổ biến như Thăng Long, Huy Hoàng, Hoàn Mỹ, Thịnh Phát… Trong đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp này chỉ khác nhau tên loại hình doanh nghiệp và chức năng nhiệm vụ.

Vụ kiện "sàn BĐS Nam Tiến" là vụ việc điển hình

Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số hơn 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thì có tới 722 đơn vị bị giống tên… Việc giống tên doanh nghiệp đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và là một lỗ hổng lớn trên thị trường. Có những doanh nghiệp lập nên để “ăn theo”, lợi dụng tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp khác nhằm bán hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo khách hàng, đối tác của doanh nghiệp “chính chủ”.

Thiếu chế tài xử phạt đơn vị chây ỳ

Luật sư Nguyễn Thanh Văn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, có một thực tế đang gây rắc rối là trong khi nhãn hiệu phải được đăng ký, xác lập quyền và được cấp văn bằng bảo hộ bởi Cục Sở hữu trí tuệ, thì tên thương mại lại do tổ chức kinh doanh, dịch vụ tự xác lập và được ghi nhận khi đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do được xác lập và ghi nhận tại hai cơ quan khác nhau, nên rất dễ xảy ra tình trạng trùng lặp như trên.

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trước đây, khi chưa thiết lập được hệ thống đăng ký toàn quốc, mà chỉ quản lý ở cấp tỉnh, đã xuất hiện tình trạng có nhiều công ty cổ phần Thanh Bình ở các địa phương khác nhau. Còn hiện nay, tình trạng này đã được kiểm soát trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia.

Theo luật sư Phạm Thành Long, Trưởng văn phòng Luật gia Phạm, không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, việc tranh chấp tên gọi doanh nghiệp xuất hiện phổ biến. Giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng, do nguồn nhân lực, hạ tầng thông tin chưa đáp ứng được. “Luật Doanh nghiệp đã cấm hành vi đặt trùng tên, nhưng “giống tên tương tự đến mức gây nhầm lẫn” thì doanh nghiệp phải chứng minh được có sự tương tự và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trên thị trường. Khi đó, tòa án mới có căn cứ buộc doanh nghiệp phải đổi tên”, luật sư Long cho biết.

Theo một cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), đối với các doanh nghiệp cố tình dùng tên giống một doanh nghiệp khác để trục lợi, thì dù đã có phán quyết của tòa án, nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh lại không có quyền tự đổi tên doanh nghiệp, mà phải do doanh nghiệp đăng ký đổi tên. Nếu doanh nghiệp không tự giác, mà cố ý chây ỳ, không chịu đăng ký đổi tên, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không làm gì được, vì không có quy định xử phạt nào.

Khởi kiện để bảo vệ tên gọi, thương hiệu của doanh nghiệp chỉ là biện pháp bất đắc dĩ để xử lý tình huống. Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp nên vào hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia kiểm tra các tên doanh nghiệp hiện có để dự liệu tên của doanh nghiệp mình, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát được thương hiệu trên thị trường. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ngay từ khi cấp đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, cần kiểm tra, soát xét kỹ, tránh hệ lụy không đáng có về sau.

(Theo Đầu tư)