- Bị lừa tình, rơi vào vòng lao lý, cô công nhân nhà máy gạch còn có lá đơn tố cáo về việc đứa con đẻ rơi bị… mất tích đầy bí ẩn!

Trong lá đơn kiến nghị gửi Công an huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng do ông Lê Văn Lượng - bố đẻ của cô công nhân nhà máy gạch, địa chỉ thường trú: thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội viết đơn thay con kêu cứu về việc đứa con đẻ rơi của Lê Thị Lâm bị… mất tích đầy bí ẩn.
Ông Lê Văn Lượng - bố của Lâm.
Trong buổi làm việc với PV VietNamNet chiều ngày 29/6/2011, Trung tá Phạm Thắng - Đội trưởng Đội Trật tự xã hội, công an huyện Đông Anh và Đại uý Ngô Việt Tú, điều tra viên trực tiếp điều tra vụ việc, đã cung cấp diễn biến vụ việc theo nội dung hồ sơ vụ án.


Tuy nhiên, công an huyện Đông Anh không đề cập đến nội dung: vợ chồng Trần Văn Quang có đơn tố cáo hành vi “cưỡng đoạt tài sản” của các bị can liên quan đến vụ án hay không.

Đại uý Tú cho hay: đây là vụ án cưỡng đoạt tài sản của người khác có tổ chức, vì thế cơ quan điều tra tiến hành điều tra, ra các QĐ bắt giữ đối với các bị can cũng như đề nghị VKSND huyện Đông Anh ra QĐ khởi tố vụ án là có cơ sở, kể cả bị hại có đơn xin rút đơn tố cáo.

Vì lẽ đó, ngày 11/2/2011, Thượng tá Bùi Quang Đồng, thủ trưởng cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh ra QĐ số 73 khởi tố vụ án hình sự sau khi thấy có dấu hiệu cướp tài sản của người khác.

Cùng ngày, Công an huyện Đông Anh có công văn số 212 đề nghị VKSND huyện Đông Anh phê chuẩn lệnh bắt giam khẩn cấp đối với 5 trường hợp: Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1988, đang có thai 6,5 tháng, chị dâu của Lê Thị Lâm); Nguyễn Văn Tình; Nguyễn Hữu Thắng (tức Thi); Nguyễn Anh Tuấn; Nguyễn Tiến Đức.

Ngày 12/2/2011, VKSND huyện Đông Anh phê chuẩn lệnh bắt đối với các trường hợp này.

Theo hồ sơ vụ án do công an huyện Đông Anh cung cấp với báo chí: 16h10 phút ngày 14/02/2011, Lê Thị Lâm tự đến công an huyện Đông Anh đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội?

Vì vụ án phức tạp nên công an huyện Đông Anh ra QĐ giữ tạm giam Lê Thị Lâm 3 ngày theo QĐ số 145 ngày 14/02/2011 do Trung tá Trần Hải Quân – Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh ký.

Chiếc xe máy – “tang vật” của vụ án đã được trả lại từ lâu và vợ chồng Quang vẫn đi.
Tuy nhiên, cần nhắc lại: sự việc anh chị, em của Lê Thị Lâm cùng Lâm đến nhà Trần Văn Quang vào hồi 22h30 phút tối mồng 2 tết (ngày 04/2/2011) để dẫn đến câu chuyện Trần Văn Quang thừa nhận quan hệ và gây ra hậu quả cái thai trong bụng Lâm; Quang đồng ý viết giấy bán xe và giao xe cho Lâm để Lâm lấy tiền nuôi con hoặc… phá bỏ thai (dù lúc này, Lâm đang mang thai đến tháng thứ 9!?).

Ngày mồng 3 tết (tức ngày 5/02/2011), bố mẹ Lâm đã bắt các con mang xe, điện thoại đến trả cho vợ chồng Quang. Ngày 6/2, vợ của Quang, chị Nguyễn Thị Huyền, đã viết giấy đề nghị rút đơn gửi Công an huyện Đông Anh.

Nội dung lá đơn của chị Huyền viết: “Ngày 05/2/2011 tôi có đến cơ quan công an thị trấn Đông Anh trình báo việc viết giấy bán xe cho chị Lê Thị Lâm cùng giấy tờ, chìa khoá xe máy toàn quyền cho chị Lâm sử dụng cùng hai điện thoại.

Nhưng nay gia đình chị Lâm và chị Lâm đã mang tài sản là chiếc xe máy cùng 2 điện thoại trả lại gia đình tôi. Tôi đã nhận lại xe máy BKS 38P1 – 9416. Hiện tại, xe máy và điện thoại không bị xây xát và mất mát gì đúng như tài sản của chúng tôi lúc đầu. Còn việc chồng tôi và chị Lê Thị Lâm có quan hệ với nhau để xảy ra hậu quả, hai bên thoả thuận giải quyết với nhau.

Vậy tôi viết đơn này xin rút đơn trình bày. Từ bây giờ tôi không kiến nghị và không đề nghị gì với cơ quan pháp luật như đơn trước tôi đã viết tại cơ quan công an thị trấn Đông Anh”.
 

Trần Văn Quang cũng có bản cam kết kèm theo lá đơn của vợ mình. Thế nhưng, Lê Thị Lâm vẫn tự đến đầu thú và nhận QĐ tạm giam 3 ngày.

Trớ trêu nhất, chiều ngày 15/02/2011, sau hơn chục tiếng đồng hồ bị bắt tạm giam, Lê Thị Lâm trở dạ. Cùng phòng tạm giam có Nguyễn Thị Hà - chị dâu của Lâm cũng đang mang thai tuần thứ 26, đã giúp em chồng sinh nở.

Trao đổi với PV, Hà cho biết: chị đã phải cởi áo của mình để quấn cho đứa bé.

Trả lời VietNamNet, đại uý Tú cho biết: công an huyện Đông Anh khi biết Lâm trở dạ đã gọi điện đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh để nhờ một kíp bác sỹ đến giúp Lâm sinh nở.

Bác sỹ Ngô Văn Huy – GĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh xác nhận: công an huyện Đông Anh có gọi điện sang và bác sỹ Huy đã cho một kíp gồm 1 bác sỹ, 2 nữ hộ sinh. Tuy nhiên, khi kíp bác sỹ này đến phòng tạm giam thì chị Lâm đã đẻ xong. Kíp bác sỹ này đưa mẹ con sản phụ Lâm về bệnh viện huyện Đông Anh cho uống kháng sinh.

“Sáng 16/02/2011, các cán bộ của bệnh viện vẫn thăm khám cho mẹ con cô Lâm bình thường. Đến cuối giờ chiều cùng ngày thì không thấy mẹ con cô Lâm đâu nữa!” – bác sỹ Huy thông tin.

Trở lại câu chuyện của công an huyện Đông Anh. Thượng tá Thắng và Đại uý Tú cho biết: sau khi Lê Thị Lâm trở dạ và sinh con trong phòng tạm giam (chiều 15/02/2011), một ngày sau, 16/02/2011, cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh ra QĐ số 35 huỷ biện pháp ngăn chặn giam giữ đối với Lê Thị Lâm (do đang có thai) bằng biện pháp quản thúc tại nơi cư trú. Lúc này, chị Lâm đã đẻ rơi trong trại tạm giam và đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh.

Đối với Nguyễn Thị Hà, chị dâu của Lâm đang mang thai đến tuần thứ 26, Công an huyện Đông Anh cũng có công văn đề nghị VKS thay đổi biện pháp ngăn chặn từ giam giữ sang quản thúc tại nơi cư trú.

Ngày 17/02/2011, VKSND huyện Đông Anh ra QĐ số 33 cấm Hà ra khỏi nơi cư trú thay cho biện pháp giam giữ. Lúc này, Hà đã bị giam giữ 5 ngày (tính từ thời điểm bị bắt tạm giam ngày 12/02/2011).

Sự việc chưa dừng lại ở đó. Lá đơn do bố đẻ của Lâm viết ngày 23/6/2011 cho biết: chị Lâm ngày hôm sau (16/02/2011) tỉnh dậy không thấy đứa con đâu. Lo sợ bị công an bắt lại (?!), Lâm thuê xe taxi bỏ về nhà.

Đối với 5 trường hợp bị bắt tạm giam từ ngày 12/02/2011, trừ Nguyễn Thị Hà đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn, bốn đối tượng còn lại vẫn bị giam giữ từ đó đến nay.

Ngày 07/6/2011, cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh có công văn số 548 đề nghị VKS phê chuẩn khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Lê Văn Sơn, Lê Thị Hường và Nguyễn Hữu Đông (em ruột của Nguyễn Thị Hà). Cùng ngày, VKSND huyện Đông Anh phê chuẩn QĐ khởi tố bị can và ba trường hợp trên.

Đại uý Tú thông tin: hai đối tượng Đông và Sơn đang phát lệnh truy nã.

Như thế, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 9 đối tượng liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng cướp tài sản người khác có tổ chức đang dính vào vòng lao lý.

Về tình tiết đứa con bị mất tích, các cán bộ công an huyện Đông Anh chia sẻ: nếu có chuyện mất đứa con thì không thể đến tận thời điểm này (sau hơn 4 tháng) sản phụ mới… đi tìm!?

Và, đứa trẻ bị mất tích vẫn là ẩn số…

Trung tá Trần Hải Quân – Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Đông Anh: CQĐT đã làm đúng trình tự, thủ tục pháp luật!

Việc bắt giữ, tạm giam, khởi tố các đối tượng, bị can liên quan trong vụ án; việc thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các bị can (Lê Thị Lâm và Nguyễn Thuý Hà) đều dựa trên cơ sở có sự phê chuẩn của cơ quan cùng cấp là VKSND huyện Đông Anh.

CQĐT công an huyện Đông Anh đã tiến hành một cách thận trọng, đúng trình tự thủ tục và tuân thủ các quy định pháp luật tố tụng.

Đối với bị can Lê Thị Lâm, khi xảy ra tình huống sinh con trong trại tạm giam, lãnh đạo Công an huyện Đông Anh đã nhanh chóng đề nghị kíp bác sỹ chuyên môn đến trợ giúp để Lâm được mẹ tròn con vuông.

CQĐT cũng đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thăm nom, chăm sóc mẹ con sản phụ Lê Thị Lâm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Ba cán bộ nữ công an đã được cử đến để thăm nom mẹ con Lê Thị Lâm.

Đến khi xảy ra sự việc Lê Thị Lâm trốn khỏi bệnh viện mà chưa kịp thanh toán viện phí, Công an huyện Đông Anh cũng đứng ra thanh toán thay cho Lâm.

Về chi tiết lá đơn tố cáo của ông Lê Văn Lượng - bố đẻ của Lâm trong việc đứa con của Lâm mất tích tại bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh, bác sỹ Ngô Văm Huy – GĐ bệnh viện nhận định: “Các bác sỹ phụ trách ca trực hôm đó (sáng 16/3/2011) vẫn trông nom, chăm sóc, tiêm kháng sinh cho mẹ con sản phụ Lê Thị Lâm một cách bình thường. Với tính chất nhân đạo của ngành y, đã vào bệnh viện, tất cả các bệnh nhân đều được đối xử, tôn trọng như nhau chứ không hề có sự phân biệt.

Việc gia đình Lâm tố cáo bị mất con, mất cháu, bác sỹ Huy cũng tỏ vẻ bất ngờ và ngạc nhiên: “Nếu như chị Lâm mất đứa con từ ngày hôm đó, chị Lâm phải có đơn thư tố cáo từ tháng 2, chứ đến tận bốn tháng sau mới phản ánh thì cũng là một điều vô lý!”.

Trung tá Trần Hải Quân cũng khẳng định: CQĐT công an huyện Đông Anh sẽ có trách nhiệm tìm kiếm cháu bé nếu như việc mất con của Lê Thị Lâm là sự thật, đúng như đơn thư trình báo.
Kiên Trung

“Kỳ án” cô công nhân nhà máy gạch
Câu chuyện bi đát của “cô công nhân lò gạch” vừa bị lừa tình còn khiến cả gia đình, người thân gần chục con người có nguy cơ… ngồi tù với tội danh “cướp đoạt tài sản người khác có tổ chức trong vụ án “đặc biệt nghiêm trọng”?!