- Sau khi kỳ án “vườn mít” tạm khép lại với bản án tuyên Lê Bá Mai vô tội, Viện kiểm sát đã ra văn bản kháng nghị đề nghị xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Cho rằng việc vụ án tiếp tục kéo dài khiến số phận con trai bị “treo” lơ lửng, thiệt thòi, gia đình Lê Bá Mai đã làm đơn khiếu nại.

Ngày 20/4, ông Lê Bá Triệu (cha ruột Lê Bá Mai, quê Thanh Hóa) đã có văn bản kiến nghị gửi Chánh án TAND Tối cao cùng một số cơ quan chức năng kiến nghị về việc chậm đưa vụ án Lê Bá Mai ra xét xử phúc thẩm.

Trước đó, tháng 5/2011, sau hơn 2.000 ngày bị tạm giam ròng rã, Lê Bá Mai (30 tuổi, Bình Phước) được TAND tỉnh Bình Phước tuyên vô tội trong vụ án “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

Cho rằng việc vụ án tiếp tục kéo dài khiến số phận con trai bị “treo” lơ lửng, thiệt thòi, gia đình Lê Bá Mai đã làm đơn khiếu nại.

Theo nội dung vụ án, ngày 16/1/2004, tại vườn mít ở ấp 1, xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước người dân phát hiện có thi thể một bé gái bị xiết cổ. Nạn nhân là cháu Thị Út (SN 1993), đã mất tích trước đó bốn ngày. Theo lời khai của Thị Hằng (SN 1995, người cùng đi mót của mì với Út) cho biết có thấy Út đi với một thanh niên.

Sau đó, Lê Bá Mai bị bắt vì là nghi can trong vụ án. Cơ quan điều tra kết luận: ngày 12/1/2004, Mai được một người dân thuê đi rải phân trồng mì tại một trang trại gần nhà. Trong lúc làm việc, trong lúc làm việc Mai thấy cháu Út và cháu Hằng đang mót củ mì gần đó. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, sau khi làm việc xong, Mai chạy về nhà lấy xe máy quay lại rủ cháu Út vào vườn mít chơi.

Tại đây, Mai dụ dỗ cháu Út cho thực hiện hành vi giao cấu. Do cháu Út chống cự, dọa mách mẹ nên Lê Bá Mai đã đánh cháu Út ngất xỉu sau đó thực hiện hành vi giao cấu. Sợ vụ việc vỡ lở, Mai đã lấy chiếc quần dài của Út xiết cổ cô bé đến chết.

Tháng 3/2005, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Lê Bá Mai mức án tử hình về hai tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Tháng 8/2005, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng cáo kêu oan của Mai, giữ nguyên mức án tử hình.

Tháng 12/2006, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên. Tháng 2/2007, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao, tuyên hủy hai bản án trên để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Hơn 3 năm sau, sau nhiều lần trả hồ sơ, ngày 18/5/2011, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên Lê Bá Mai không phạm các tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” như cáo trạng quy kết, tuyên trả tự do cho Lê Bá Mai ngay tại phiên tòa.

Đầu tháng 6/2011, VKSND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị xét xử Mai theo hướng có tội. Tuy nhiên, sau gần một năm quyết định kháng nghị được ban hành, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử phúc thẩm. Cho rằng việc vụ án tiếp tục kéo dài khiến số phận con trai bị “treo” lơ lửng, thiệt thòi, ông Lê Bá Triệu đã làm đơn khiếu nại.

Trong đơn kiến nghị, ông Triệu trình bày: “Pháp luật quy định rất rõ rằng, nếu không có cơ sở chứng minh bị cáo phạm tội thì phải tuyên vô tội và trách nhiệm chứng minh Mai có tội hay không thuộc về cơ quan có trách nhiệm điều tra, truy tố. Tôi thiết nghĩ, đến thời điểm này, không có lý do gì để tiếp tục kéo dài thời gian xét xử phúc thẩm vụ án, làm tăng phần thiệt hại cho Mai và gia đình chúng tôi”.

Cần sớm giải quyết vụ án theo đúng quy định 

Theo quy định tại điều 242, 245 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Tòa phúc phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vì lý do nào đó, cấp phúc thẩm hoãn phiên tòa thì thời hạn hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày, kể từ ngày quyết định hoãn phiên tòa. Như vậy, với vụ án của Lê Bá Mai việc cấp phúc thẩm chậm đưa vụ án ra xét xử tính đến nay đã gần 8 tháng là chưa phù hợp với quy định nêu trên.

Thời điểm hiện nay, là Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho Lê Bá Mai, tôi cũng đang theo sát diễn biến của vụ án. Nếu đơn kiến nghị của ông Lê Bá Triệu không được xem xét, vụ án vẫn tiếp tục bị kéo dài trái quy định, có lẽ tôi sẽ buộc phải gửi đơn khiếu nại để vụ án được giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Trịnh Thanh

(Văn phòng luật sư Người Nghèo)   


M.Phượng