- Căn nhà Dài nằm chênh vênh giữa những hốc đá thuộc bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có tới 45 người cùng chung sống.
Đại gia đình sống theo gia pháp của cụ Hờ Vàng Hử không tách riêng ra mà còn làm lại nhà nhiều lần cho rộng hơn trước để ở theo đúng tập tục của người Mông xưa.
Bản Trống Tông trên lưng chừng núi Khu Mạ những ngày này thoắt ẩn thoát hiện trong màn sương. Theo người dân bản Trống Tông nghĩa là bản nhiều cây cối.
Thêm thành viên mới - dỡ nhà lập lại
Gần nửa ngày đi đường rừng mới đến được “nhà Dài” - nhà cụ Hử theo tiếng Mông là ngôi nhà hạnh phúc, có nhiều người chung sống.
Căn nhà lớn của gia đình cụ Hử. |
Căn nhà rộng thênh thang nhưng chỉ có một buồng đặt nhiều giường sát nhau, chứ không phải là các buồng riêng kín đáo.
Hiện nay, cả 4 thế hệ của gia đình đang chung sống với nhau, cứ sau mỗi thế hệ lại có thêm thành viên mới. Khi đó lại phải dỡ nhà lập lại nên việc bố trí từng phòng để đặt giường đến lúc dỡ rất khó, đêm ngủ ai cũng tự biết giữ ý đi lại, nói khẽ để người khác ngon giấc.
Anh Hờ Chờ Mang, con thứ tư của cụ tiếp chuyện với chúng tôi. Trong gia đình chỉ có anh Mang là người nói tiếng kinh “sõi” nhất.
Ảnh kỷ niệm của cụ Hử và vợ (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Anh cho biết: “Cả gia đình đông như thế nhưng việc phân công là do ông cụ (tức là cụ Hử -PV) phụ trách, bình thường là những đêm trước mọi người cùng nhau tụ tập bàn giao công việc của mỗi người cho ngày hôm sau”.
Tuy nhiên, lúc nào cũng phải để dành một người ở nhà nấu ăn, để khi đến bữa ai nấy về đều mệt mỏi thì cơm, rau cũng đều chín cả. Người này phải trông lũ trẻ nữa.
Hàng ngày, những người phụ nữ trong nhà đều dậy từ 4 giờ sáng, người nấu cơm, người chẻ củi, người băm rau lợn, người sàng gạo, người gọi gà về cho ăn… tất cả đều lặng lẽ mỗi người một việc không cần ai nhắc nhở, cùng không ai đùn đẩy viêc cho ai.
Gia quy miệng
Anh Mang bảo: “Ông cụ giờ đang ở trên lán, phải đi từ giờ đến khi mặt trời xuống dưới lũy tre kia thì mới tới”.
Khi chúng tôi đến, cụ ra hiệu anh Mang mời chúng tôi ngồi bên bếp lửa. Anh giới thiệu về bố mình:
“Năm nay ông già đã bước vào tuổi 94, nhưng còn khỏe lắm. Hàng ngày, ông vẫn mang theo súng kính (những đồ vật mà người Mông tự làm- PV) đi suối lặn cá, chăn dê, đánh bẫy… Nên chúng tôi mới dám để để ông cụ ở đây một mình”.
Một gia đình đông như thế, cụ có thể quản lý hết tất cả các thành viên trong nhà để mọi người lúc nào cũng được vui vẻ chỉ bằng luật lệ từ trước.
Ảnh từ trái sang: ông Hờ Chờ Mang, con trai thứ 4 của cụ Hử; cụ Hử trong lán; ông Hờ Nhà Dì, con trai thứ 3, người thay thế cụ Hử quán xuyến gia đình trong khi cụ đi vắng. |
Cụ cũng không nhớ cái gia pháp đó của gia đình có từ bao giờ, khi cụ lên 3 đã được cha dạy cho rồi. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia bằng việc truyền miệng. Ai sai thì sẽ cảnh cáo nhắc nhở, chứ không cần những sổ sách nào ghi chép lại cả.
Nhận xét về gia đình cụ Hử, ông Hờ A Nhà, Phó chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết, đây là gia đình điển hình trong phát triển kinh tế và cũng là gia đình độc nhất ở Mù Cang Chải còn giữ lại bản sắc văn hóa gia pháp của người Mông xưa. Mặc dù gia đình này đông người nhưng chưa bao giờ chính quyền phải vào cuộc để giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên. |
Những quy định trong gia pháp này nếu ai làm trái hoặc làm cho các thành viên trong gia đình mất đoàn kết thì sẽ bị đuổi khỏi nhà, giống như anh cả Hờ Su Páo đã từng cãi lời ông cụ. Để bây giờ anh trai thứ ba là Hờ Nhà Dì thay bố quản cả đại gia đình. Còn anh con trai thứ hai của cụ đi bộ đội, đã hy sinh bên nước bạn Lào.
Cũng bởi gia đình đông con cháu quá, nạn đói ở vùng cao lại cứ hoành hành nên cụ Hử đã từng một thời phải tính đến việc chồng thuốc phiện để nuôi gia đình.
Nhưng, nhờ có Đảng, Chính phủ khuyên nên trồng lúa gạo, đồng bào mới thôi gieo loại cây này.
Bây giờ trong nhà của cụ Hử có 9 cặp vợ chồng, với 45 nhân khẩu. Mấy năm trước 3 đứa cháu gái của cụ đã đi lấy chồng, chứ không gia đình cụ bây giờ đã là 48 người.
Ông phải vừa mềm dẻo lại vừa cứng rắn đối với các thành viên trong gia đình. Nhìn qua ánh đèn dầu mờ mờ ảo ảo, cụ như một cây gỗ Pơ Mu đã gần một thiên nhiên kỷ mọc giữa núi rừng Tây Bắc.
Khi nói về cuộc sống hiện tại, cụ lạc quan chia sẻ: “Ta đã cảm thấy mãn nguyện với đời, tất cả mọi thứ đã được như mình ước muốn. Chỉ tiếc rằng người vợ đồng hành suốt cuộc đời đã sang bên kia thế giới trước.
Và người con trai thứ hai, nếu cho dù vài mùa lá rụng hay vài cây gỗ mục đi chăng nữa vẫn không tìm thấy xương nó đem về an tang, thì hồn nó vẫn chỉ đâu đây với gia đình ta thôi”.
Thu Nga