Ngày 2/2, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Đà Nẵng thông tin về kết quả kỳ họp thứ 17.

Theo đó, kỳ họp đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Đạo, đảng viên Chi bộ Dược - Điều dưỡng, Đảng ủy bộ phận Trường Y Dược, Đảng bộ Trường Đại học Duy Tân thuộc Đảng bộ quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam).

Ông Đạo là đảng viên thuộc Đảng bộ quận Hải Châu (TP Đà Nẵng).

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: M.H.

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Đà Nẵng, với vai trò Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, ông Đạo chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng, thực hiện quy chế làm việc của Đảng ủy, để một số cán bộ, đảng viên của bệnh viện vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm y tế phải xử lý hình sự.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách đối với ông Đinh Đạo.

Tháng 5/2022, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên xét xử sơ thẩm liên quan đến sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Bá (50 tuổi, trú phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) mức án 2 năm tù treo về tội "gian lận bảo hiểm y tế".

Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn (31 tuổi, trú tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) và Lương Thanh Trung (36 tuổi, trú tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) 1 năm tù treo cùng tội danh như bị cáo Nguyễn Tấn Bá.

Ngoài ra, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hồng Hải (nguyên tổ trưởng giám định BHXH tỉnh Quảng Nam tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam) 30 triệu đồng; bị cáo Phạm Thị Bích Trâm (nguyên tổ phó giám định) 40 triệu đồng cùng tội danh “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, với chức vụ Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, ông Nguyễn Tấn Bá trong quá trình khám, điều trị bệnh biết rõ 22 bệnh nhân bị hẹp động mạch vành nhẹ, không cần phải dùng thủ thuật đặt stent. Tuy nhiên, vì mục đích cá nhân, ông Tấn đã chỉ đạo các ông Trung, Sơn lập khống hồ sơ các bệnh nhân này có thực hiện thủ thuật đặt stent nong động mạch vành nhằm mục đích chiếm đoạt 22 stent và vật tư thiết bị kèm theo, sau đó chuyển hồ sơ đã lập khống cho bệnh viện để tổng hợp và thanh toán bảo hiểm y tế.

Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế hơn 829 triệu đồng, gây thiệt hại cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hơn 162 triệu đồng.

Trong khi đó, bị cáo Phạm Thị Bích Trâm và Nguyễn Thị Hồng Hải được xác định đã thiếu trách nhiệm trong quá trình giám định các hồ sơ bệnh án thanh toán bảo hiểm, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế hơn 200 triệu đồng.

Hai bị cáo này bị cấm làm nhiệm vụ bảo hiểm y tế trong thời hạn 1 năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.