-Sau này còn một số bài ở những mục khác nội dung tốt nhưng sơ suất trong khâu biên tập phản hồi thành ra đều có chuyện...



Nhà báo Nguyễn Đăng Tấn
LTS: Nhà báo Nguyễn Đăng Tấn (bút danh Đặng Tấn) vốn là người lính, một cán bộ cao cấp của  quân đội.  Anh đã “đầu quân” cho VietNamNet, là Ủy viên Ban biên tập,  cây bút chuyên viết về lý luận chính trị cùng những tản văn trên trang Thư Thăng Long- Hà Nội. Nhiều bài viết phản biện của anh về những vấn đề bức xúc trong xã hội có ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số đoạn trích về những trải nghiệm, cảm xúc của nhà báo Nguyễn Đăng Tấn  với VietNamNet nhân kỷ niệm 15 năm thành lập báo


1- Tôi có may mắn được “gần” làng báo từ những năm 2000 vì lúc đó tôi theo dõi mảng Tư tưởng- Lý luận, mà báo chí chỉ là một phần công việc của công tác này.

Còn nhớ trong một lần giao ban báo chí, anh Vũ Duy Thông Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng – Văn hóa lúc ấy giới thiệu một lãnh đạo của một tờ báo trực tuyến ra mắt làng báo, người đó là nhà báo Thu Uyên một thời nổi tiếng, “người đẹp” của chương trình thời sự trên VTV. Mọi người “à” lên vì sao đã lâu “nàng” biến mất khỏi màn hình T.V.

Riêng tôi ngỡ ngàng không phải Thu Uyên “mất hút” trên truyền hình mà là tờ báo “lạ” xuất hiện trong làng báo mà cô làm Tổng biên tập với cái tên tây tây: VASC Orient.

Bây giờ thì báo mạng đã trở thành gần gũi như cơm ăn nước uống hàng ngày nhưng lúc đó là “của độc” và lạ.

Với chức năng là người theo dõi lĩnh vực tư tưởng, một tờ báo ra đời mà lại là báo mạng điều đó đòi hỏi phải tìm hiểu. Một lần trong cuộc giao ban báo, tôi có trao đổi về những yếu tố liên quan đến vấn đề trên, Thu Uyên bảo anh đặt ra khó quá chi bằng hôm nào mời anh đến tòa soạn thăm và tìm hiểu sẽ rõ.

Tác giả cùng TBT VietNamNet và cán bộ tòa soạn trong một lần đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tôi đến tòa nhà “Sao Bắc” nơi "đại bản doanh" của tờ báo. Lúc đấy ở Việt Nam các cơ quan sử dụng máy tính chưa nhiều nhưng ở Tòa soạn này thấy ai cũng “ôm máy” đã thấy hiện đại và “oai” lắm.

Thăm thú một lúc, Thu Uyên mời tôi đến 99 Triệu Việt Vương. Tôi nghĩ chắc ở đây chật chội nên mời đến một quán cà phê cho tiện. Đến nhà số 99, Uyên bảo lên tầng 2. Một thanh niên cao to, trắng trẻo trông như chủ nhân ngôi nhà ra bắt tay. Lúc đấy Thu Uyên mới giới thiệu đây là sếp của mình. Thì ra tờ báo nằm trong công ty này. Chàng thanh niên đây mới thật sự là chủ nhân của tờ báo.

Nguyễn Anh Tuấn có phong cách xã giao thân mật, nói chuyện không kiểu cách, gần gũi. Anh giới thiệu qua tờ báo và mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm giúp đỡ cho báo vì đây là một tờ báo mới.

Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một tờ báo mạng, tờ tiên phong của báo chí trực tuyến.

2- Dạo ấy Nguyễn Quang Thiều là ủy viên Ban biên tập phụ trách mục Thư Hà Nội. Phải nói Thư Hà Nội từ khi thành lập trải qua rất nhiều người phụ trách nhưng có lẽ giai đoạn “nổi nhất” phải kể bắt đầu từ Giáo sư Trần Thanh Minh, qua nhà báo Kim Dung, đến Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Thật ra ở mỗi người đều có những phong cách riêng. Trần Thanh Minh thì bài vở chỉn chu, Kim Dung thì súc tích, kỹ đến từng chi tiết, Nguyễn Quang Thiều thì bay bướm giàu suy tư nhà văn.

Thư Hà Nội lúc này chuyển thành Thư Thăng Long và là chuyên mục của VietNamNet chứ chưa về TuanVietNam như sau này. Từ khi ra đời Thư Hà Nội không phải là nơi hay xẩy ra sai phạm. Bản thân mục này đã nói điều đó. Đó là những tản văn man mác, những kỷ niệm êm đềm, suy tư sâu sắc về làng quê đất nước, thế mà thời Nguyễn Quang Thiều phụ trách lại xẩy ra sai phạm, mà sai pham “không phải bé” bị phạt hẳn hoi.

Dạo đó Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn đi công tác bên Mỹ, Nguyễn Quang Thiều là ủy viên Ban biên tập được quyền đưa bài. Tôi với tư cách là Ủy viên biên tập Trưởng Ban kiểm soát được giao cùng giám sát nội dung.

Tuy nhiên cũng theo bước Tổng biên tập, Nguyễn Quang Thiều được một tổ chức nhà văn ở Mỹ mời sang hội thảo về thơ và đi đọc thơ ở một số nơi.

Trước khi đi Quang Thiều rất cẩn thận không dám nhận và đưa những bài của cộng tác viên mới gửi mà chuẩn bị một sery bài của chính mình. Chúng tôi cũng nghĩ, những bài này đã đăng ở một trang báo giấy rồi thì cứ ung dung rung đùi vì có gì “nhạy cảm” cũng đã có phản hồi lại rồi.

Sery bài đó mang tựa đề: "Lá thư của những đứa con người nông dân”. Thiều viết về những hoàn cảnh cụ thể ở địa phương mình, cái làng quê bên bờ sông Đáy mơ mông và cũng dữ dằn. Ai đã từng xem bộ phim “Mùa hoa cải bên sông” mới hiểu Thiều đành tình yêu như thế nào với làng quê của mình. Có thể nói sông Đáy và cái xòm Chùa thân thương đã tạo nên Nguyễn Quang Thiều và cũng chính mảnh đất ấy đã nuôi lớn ước mơ và chắp cánh cho trang văn của anh bay xa.

Bài đầu có tựa đề “Họ đi theo một vòng tròn” nói về cảnh người nông dân vất vất, đầu tắt mặt tối trên quê mình, vẫn con trâu đi trước cái cày theo sau. Bài đầu tiên lập tức được bạn đọc chú ý. Ở tòa soạn tôi là người thường xuyên vào xem phản hồi mới thấy hiệu ứng của bài ghê gớm. 

  Phỏng vấn nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu
Bài hai rồi bài ba Nguyễn Quang Thiều viết về số phận những người đàn bà nông thôn quê anh. Họ sống như ở một thế giới khác và một thời khác thời chúng ta đang sống. Họ chỉ biết đến trâu bò, lợn gà, phân gio, bùn đất, cấy hái, con cái và muôn vàn nỗi lo khác. Và điều đau lòng mà tôi biết họ không mấy khi có được một giấc mơ đẹp. Bởi hình như họ chẳng có một ngày thanh thản để giấc mơ có thể bay về và trú ngụ trong tâm hồn họ. Trong suốt những năm chiến tranh, họ sống âm thầm với bao giáo lý về đức hạnh để chờ chồng. Ngay cả khi người chồng đã hy sinh, họ cũng không dám đi bước nữa bởi bao ràng buộc và thói thị phi.

Những bài tiếp theo anh nói về cảnh người dân làm quần quật mà một ngày thu nhập chỉ mấy mươi ngàn trong khi bao thứ chi tiêu đè nặng lên cổ người nông dân. Rồi đến bài “Những cái chết thương tâm” thì sự thật ở một vùng quê đã thật sự án ảnh bạn đọc. Nó giống như "Cái đêm hôm ấy đêm gì” mà Phùng Gia Lộc đã viết. Những đoạn đọc lên đau đến tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn: "Không ai muốn chọn cho cá nhân mình sự đau đớn thân xác vì bệnh tật, không ai lại muốn chọn cái chết hơn chọn sự sống. Nhưng hiện thực đã dồn họ vào tận cùng mà không có một khả năng nào chống đỡ. Họ đã bỏ mặc cuộc đời cho số phận. Bởi với rất nhiều những người nông dân nghèo khổ thì họ không còn cách lựa chọn nào khác".

Đến bài thứ 6 “Chúng tôi đang mất làng” thì phải ngừng đăng vì hiệu ứng không thuận.

Có yêu cầu phải giải trình. Lúc này Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn đã về nước. Anh chỉ đạo cho bộ phận hành chính giải trình rõ và những ai chịu trách nhiệm.

Một buổi trưa cùng với “Ban cố vấn” đi ăn, Nguyễn Anh Tuấn phân bua, bây giờ trên chỉ đạo như vậy bản thân Nguyễn Quang Thiều vừa là tác giả, người giữ mục nên xác định kỷ luật đã rõ, song phải có người chịu trách nhiệm tiếp theo. Tôi nói tôi ở nhà theo dõi cứ qui trách nhiệm cho tôi là hợp lý. Tuy có phân vân nhưng sau đó Tuấn cũng đồng ý.

Trong một lần lên làm việc với các anh ở Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ, tôi có trao đổi về loạt bài này. Các anh cho biết đã nhận được báo cáo giải trình và xác định kỷ luật. Tuy nhiên các anh có nhấn mạnh đây loạt bài rất sâu phản ảnh thực trạng tình hình nông thôn nhưng đây không phải là điển hình của nông thôn ta hiện nay. Hơn nữa đây là loạt bài viết lại dưới góc nhìn của con mắt một nhà văn nên hiện thực không còn nguyên vẹn. Đây là báo chí không phải là tác phẩm văn học. Và điều đáng trách chính là báo đã đưa phản hồi của bạn đọc mà không biên tập kỹ. Một số phản hồi gay gắt nói đến sự quan tâm chưa đúng…Chính những phản hồi thái quá này là giọt nước làm tràn ly.

Chúng tôi thật sự thấm thía vì đã là một bài báo thì khâu nào cũng quan trọng và đều phải chú trọng như nhau. Không chỉ nội dung, tít mà còn cả những phản hồi của bạn đọc. Và báo mạng lại càng phải chú ý. Sau này cũng còn một số bài ở những mục khác nội dung tốt nhưng sơ suất trong khâu biên tập phản hồi thành ra đều có chuyện.

Đây là bài học mà lãnh đạo báo cũng như cán bộ, biên tập viên luôn nhắc nhở nhau để làm tốt. Bởi vì một sản phẩm báo chí ra đời thì khâu nào cũng quan trọng như nhau.

Tháng 8-2012

Nguyễn Đăng Tấn