Chị Pham Thi Huynh Nga đến từ tỉnh An Giang được mẹ chồng Hàn Quốc gọi là “nàng dâu vàng”, còn chị Chinh ở Hải Dương trở thành cảnh sát trên quê chồng. Nhưng nhiều cô dâu Việt khác lại đối mặt với cuộc sống ngột ngạt, bế tắc.

‘Cô con dâu vàng’

Mẹ chồng người Hàn Quốc của chị Pham Thi Huynh Nga (quê Chợ Mới, An Giang) rất tự hào khi nói về con dâu mình: “Chúng tôi rất tự hào về cô ấy và cảm thấy thật may mắn vì có được người con dâu như vậy”.

Nga cưới anh Pak Dong Chin (39 tuổi) cách đây 5 năm và giờ họ đã có 2 cô con gái xinh xắn.

{keywords}

Chị Pham Thi Huynh Nga (quê Chợ Mới, An Giang) - "nàng dâu vàng" nơi xứ sở kim chi.

Những ngày đầu về nhà chồng ở Hàn Quốc, khó khăn bỡ ngỡ chồng chất. Trên xứ người khác về văn hóa, tập quán, thói quen, chị Nga còn gặp phải rào cản ngôn ngữ. Nhiều đêm chị không thể chợp mắt nghĩ đến gia đình bên Việt Nam. Chị mong ước giúp đỡ họ bằng cách nào đó nhưng không thể hỏi xin tiền chồng.

Chị Nga bày tỏ quan điểm: “Để giúp đỡ người khác, trước tiên tôi phải tạo ra một gia đình hạnh phúc cho chồng, mẹ chồng và bản thân tôi”.

Nhờ những nỗ lực của bản thân cùng với sự chịu thương chịu khó, Nga giành được cảm tình và niềm tin từ phía nhà chồng. Bố mẹ chồng chị bắt đầu khuyến khích chị giao lưu với những phụ nữ Việt khác trong vùng. Biết chị muốn kiếm thêm tiền gửi về quê, mẹ chồng chị tạo điều kiện hết sức, chăm lo con cái nhà cửa để chị có thời gian cho công việc.

Bên nội còn khuyến khích chị Nga dạy con học tiếng Việt, hát các bài hát tiếng Việt để có thể giao tiếp với ông bà ngoại. Bên nội cũng mời bên ngoại sang thăm mẹ con Nga vài năm một lần.

Cô dâu Việt đầu tiên trở thành cảnh sát trên đất Hàn

Người con gái Việt may mắn này là chị Chinh. Chị kết hôn với Song Chung Ho, 43 tuổi, người Hàn Quốc. Anh Ho làm việc tại đại học Hankyong (Hàn Quốc).

Chị Chinh chia sẻ, cuộc gặp gỡ với anh Ho giống như là số phận sắp đặt. Chị bày tỏ, thật sai lầm khi nghĩ rằng lấy chồng Hàn Quốc có nghĩa là sung sướng và an nhàn. Chị đã phải làm việc chăm chỉ, vất vả hơn nhiều lần so với phụ nữ Hàn Quốc để có thể tồn tại. Tuy vậy, chị vẫn là người may mắn ở chỗ, nhà chồng chị sống tử tế và đầy yêu thương.

Chị kể, khi còn bán hàng ở Hải Dương, anh Ho vào cửa hàng chị mua bánh. Hôm sau, anh Ho quay lại cùng với một phiên dịch viên và mời chị đi ăn. Tháng sau, anh đăng hình chị trên mạng để nhờ tìm kiếm địa chỉ của chị. Năm sau, anh trở lại Việt Nam, thăm chị ở quê và bày tỏ ý định muốn kết hôn.

Những ngày đầu sang xứ sở kim chi, chị Chinh cũng đầy bỡ ngỡ và lo sợ. Chị không thể nói chuyện được với ai vì không biết tiếng Hàn và cũng không có người thân bạn bè bên Hàn Quốc. Có lúc chị đã nghĩ đến tự tử, nhưng rồi nghĩ lại. Chị thấy mình phải làm gì đó để các cô dâu Việt tại Hàn Quốc được tôn trọng.

Với suy nghĩ tích cực như vậy, chị Chinh bắt đầu học tiếng Hàn đêm ngày. Đồng thời, chị cũng cố gắng làm việc chăm chỉ để được sự tin yêu của nhà chồng. Chị quan tâm đến mẹ chồng và thường xuyên chăm sóc bà mỗi khi bà đau ốm.

Thấy được sự chân thành và hiếu thảo của chị Chinh, nhà chồng cho chị học lớp tiếng Hàn và đăng ký học đại học cảnh sát.

Một năm sau khi sinh con đầu lòng, chị được nhận vào học viện cảnh sát của Hàn Quốc.

Được vào học rồi, chị lại nhiều lần chảy nước mắt vì các bạn trong lớp chế giễu chuyện chị phát âm. Tuy nhiên, điều đó chỉ làm chị có nghị lực, học tập và làm việc chăm chỉ hơn. Tiếng lành đồn xa về đức tính tốt đẹp của chị, nhiều lần chị được mời xuất hiện trên các chương trình truyền hình để nói về cuộc sống và tính cách của cô dâu Việt tại Hàn.

Thảm cảnh của nhiều cô dâu Việt tại Hàn Quốc

Tuy nhiên, không phải ai đi làm dâu Hàn Quốc cũng may mắn và nghị lực như hai tấm gương trên. Nhiều chị làm dâu xứ người gặp nhiều oan ức hoặc những lý do khác dẫn đến những cái chết thương tâm.

{keywords}

Ảnh cưới của chị Võ Thị Minh Phương cùng chồng Hàn Quốc.

Hồi tháng 11/2012, chị Võ Thị Minh Phương (27 tuổi), quê Hậu Giang, ôm 2 con, một trai một gái, nhảy từ tầng 18 để tự sát tại thành phố Busan. Cả 3 mẹ con đều chết thảm. Nguyên nhân được cho là chồng Phượng thường xuyên đánh đập chị khiến chị phải tự tử để giải thoát.

Một câu chuyện khác là trường hợp của chị Le, chị gặp chồng qua môi giới. Chị chia sẻ, chị lấy chồng vì kinh tế gia đình khó khăn. Trong khi bố mẹ chị sống tại miền Nam, Việt Nam chỉ kiếm được chưa đầy 2 triệu đồng một tháng thì chồng chị mỗi tháng cho gia đình chị gấp 5 lần như vậy trước khi cưới.

Tuy nhiên, giấc mơ Hàn Quốc của Le không kéo dài, bởi không lâu sau đó, chồng nhốt chị suốt ngày trong nhà mặc dù không đánh đập. Thêm vào đó, anh chồng la hét suốt ngày khiến chị bỏ trốn. Chị bị bắt và bị gửi quê Vĩnh Long và lại sống lại cuộc sống mà trước đây chị từng trải qua.

(Theo Infonet)