Kết nối bằng giọng đọc
Những người trong ban tổ chức cuộc thi Giọng đọc kết nối TP.Tam Kỳ vẫn còn khá bất ngờ với rất nhiều sản phẩm cảm nhận lẫn giới thiệu sách của học sinh. Lê Thị Mộc Miên - học sinh vừa đoạt giải nhất khối THCS trong cuộc thi này, đã chọn tác phẩm “Quê cát” của nhà văn Hồ Duy Lệ để chuyển tải về một vùng đất Quảng Nam anh hùng.
“Quê cát” với những câu chuyện mộc mạc về quê hương, tuổi thơ và chiến tranh, được ghi lại trong những bài ký mang “thương hiệu” Hồ Duy Lệ, hồ như được tái hiện qua giọng dẫn chuyện đầy chất tự sự của Lê Thị Mộc Miên.
Một quê cát không kém phần thơ mộng trong con mắt trẻ thơ ngày đó, khi đường đến trường “theo bờ con suối luôn róc rách”, cũng có khi “nước chảy ồ ồ” sau một trận mưa “phải nhờ mấy bác nông dân cõng qua” vì không tài nào qua được... Những chi tiết tưởng chừng chỉ làm “đề từ” cho câu chuyện ký ức, nhưng qua lăng kính của bạn đọc nhỏ tuổi Mộc Miên, đó không còn là ký ức của riêng tác giả.
“Ba mẹ em cũng sinh từ một vùng quê cát trắng. Ba hay kể em nghe về những câu chuyện của quê nội, quê ngoại. Nên khi đọc tác phẩm của nhà văn Hồ Duy Lệ, em lại nhớ tới những chuyện kể của ba” - Lê Thị Mộc Miên nói.
Đó có lẽ là cảm xúc để đoạn clip giới thiệu và dẫn dắt những câu chuyện trong tập bút ký “Quê cát” mà em trình bày thực sự cuốn người nghe. Cùng với giải nhất được xét chọn từ những người chuyên môn, video của Lê Thị Mộc Miên còn được giải thưởng truyền thông vì lượt bình chọn cao từ phía các nền tảng xã hội.
Cuộc thi Giọng đọc kết nối dù chỉ ở phạm vi các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP.Tam Kỳ nhằm kích thích văn hóa đọc song hành với các hoạt động chuyển đổi số, nhưng hiệu ứng thật sự lan tỏa.
Đã có những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi học đường được các em nhỏ lựa chọn để chuyển tải. Cũng từ phát động tham gia cuộc thi, các trường học thêm lần nữa tạo động lực để học sinh trường mình tìm đến sách nhiều hơn.
Cô Trịnh Thị Thủy - nhân viên thư viện Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, nhà trường liên tục tổ chức các cuộc thi cũng như hoạt động ngoại khóa để kích thích các em tìm hiểu, tham gia đọc sách mọi lúc.
Mỗi giờ nghỉ giải lao, thư viện trường trở thành địa chỉ yêu thích của các em học sinh. Cô Trịnh Thị Thủy chia sẻ: “Từng đầu sách được sắp xếp bên cạnh việc hướng dẫn các em tìm hiểu những ấn phẩm của địa phương... để các em thích thú khi đến với thư viện là cách để hình thành thói quen đọc ở lứa tuổi này”.
Hình thành thói quen “đọc sách số”
“Giọng đọc kết nối” là một trong các hoạt động ngành văn hóa và giáo dục Tam Kỳ tổ chức để kích thích văn hóa đọc thông qua các nền tảng số. Tam Kỳ cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước có Thư viện số cộng đồng - một trong các không gian đang dần trở nên quen thuộc với người trẻ trên địa bàn.
Được ví như một “trạm đọc” thực thụ, Thư viện số cộng đồng của TP.Tam Kỳ từng ngày một trở thành không gian giao lưu, đọc sách qua hình thức trực tuyến, vừa kết hợp đọc sách giấy và cũng là nơi trải nghiệm các hoạt động của chuyển đổi số, truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng.
Nhiều năm liền, tramdoc.vn trở thành chuyên trang chỉ dành riêng phục vụ cho việc đọc sách trong dòng chảy thông tin đa dạng hiện nay. “Trạm Đọc” - tramdoc.vn thực hiện thông tin sách mới, sách hay đến với bạn đọc nhanh và hiệu quả nhất.
Trạm Đọc là một kênh gợi ý các dòng sách chất lượng cho độc giả, đặc biệt đối tượng hướng tới là giới trẻ, để họ biết đến và tìm đọc những cuốn sách hay, ý nghĩa. “Cha đẻ” của Trạm Đọc - anh Nguyễn Cảnh Bình cho rằng, phát triển văn hóa đọc sách trên nền tảng cách mạng 4.0 là điều tất yếu hiện nay.
Hình thành các “trạm đọc” ở khắp mọi nơi cũng là cách để kích thích cũng như lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Tại Thư viện Quảng Nam, bạn đọc có thể dễ dàng tìm được các đầu sách bởi đơn vị này đã số hóa nguồn tài liệu nhằm phục vụ công dân thời đại số.
Cùng với đó, Thư viện tỉnh đã triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua trang facebook, website của thư viện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin cũng được đầu tư khá đồng bộ. Một thói quen “đọc sách số” đang dần được hình từ việc tận dụng những tiện ích của công cuộc chuyển đổi số...
Theo LÊ QUÂN (Báo Quảng Nam)