Trẻ em có quyền được lắng nghe, được tiếp cận thông tin
Trong Công ước Quốc tế về quyền trẻ em nhấn mạnh một nội dung rất quan trọng: “Trẻ em phải có quyền tự do bày tỏ ý kiến” và “Các quốc gia phải bảo đảm cho các em có đủ khả năng hình thành các quan điểm riêng của mình và có quyền bày tỏ những quan điểm đó”.
Tuy nhiên, năm 2020, Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) thực hiện báo cáo mang tên “Tiếng nói trẻ em Việt Nam”, theo đó có tới 74% trẻ tham gia khảo sát cho rằng đã từng chứng kiến anh chị em, bạn bè mình bị trừng phạt về thể chất và tinh thần ngay tại ngôi nhà của mình. Con số này khiến chúng ta phải nhìn nhận rất nghiêm túc về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hiện nay.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người cho rằng giữa cha mẹ và con cái không thể giao tiếp được với nhau là do khoảng cách thế hệ. Trong xã hội hiện nay, vẫn còn tồn tại quan niệm “trẻ người non dạ”, “yêu cho roi cho vọt”. Nhiều bố/mẹ mặc định rằng trẻ "thì biết gì mà nói" nên chỉ được quyền nhận những lời dạy bảo.
Tuy nhiên, theo bà Trần Vân Anh - Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), khoảng cách thế hệ chỉ là một thách thức, một rào cản mà cha mẹ cần phải học cách để bước qua. Không ít phụ huynh than phiền rằng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với con, hoặc khi biết thì đã xảy ra hậu quả rồi.
Vì sao lại như vậy? Vì con cái không cảm nhận được rằng bố mẹ là nguồn trợ giúp tin cậy và an toàn để mình có thể chia sẻ câu chuyện; vì bố mẹ chưa thực sự lắng nghe câu chuyện của con bằng trái tim và tất cả các trực giác. Trong Luật trẻ em năm 2016 cũng có quy định: trẻ em có quyền được lắng nghe được tiếp cận thông tin. Không chỉ là lắng nghe và để đấy. Cha mẹ hãy lắng nghe và phản hồi tích cực những ý kiến mà con đã chia sẻ.
“Lắng nghe con nói” thu hút gần 4.000 sản phẩm dự thi
Bởi vậy, cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023” với tên gọi “Lắng nghe con nói” của Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã thu hút sự tích cực tham gia của đông đảo trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Chủ đề cuộc thi năm 2023 là “Gia đình hạnh phúc”, tập trung vào vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Đối tượng dự thi là trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh có độ tuổi từ 6 - 16 tuổi.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, cơ bản các sản phẩm tham gia cuộc thi đã bám sát chủ đề, hình thức và chất liệu phong phú, đa dạng, cho thấy sự đầu tư và sáng tạo của các em. Một số sản phẩm nổi bật, ấn tượng, thể hiện rõ ý tưởng cá nhân, mang đậm sắc màu văn hoá vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ. Các sản phẩm sử dụng nhiều chất liệu, vật dụng đa dạng như: tranh vẽ bằng khói bếp, tranh làm bằng hạt ngũ cốc, tăm bông, vỏ cây khô, bẹ chuối khô, tranh xé dán, tranh vẽ trên sỏi, đá; tranh vẽ trên mẹt (vật dụng thân quen của nhà nông)… đã thể hiện sự sáng tạo, tài năng và ý thức sâu sắc của các em về bình đẳng giới.
Việc chỉ sau 4 tháng triển khai, đã có gần 4.000 sản phẩm tham gia dự thi phần nào cho thấy sự quan tâm của đông đảo mọi người với vấn đề bình đẳng giới dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây có thể xem là cách họ đang cố gắng bảo vệ "quyền được nói" của mình.