Áp đặt quan điểm không những khiến cho nhận thức của công chúng bị sai lệch, mà hơn hết còn biến những sự thật vốn khách quan thành không khách quan, và khiến cho phạm vi lựa chọn hành động của chúng ta trong hiện tại bị thu hẹp.
Những tài liệu cũ đã kể lại nhiều câu chuyện cho thấy, người xưa dành rất nhiều thời gian và công sức để giáo dục cho con cái họ về lịch sử của gia đình hay bộ lạc.
Người xưa cho rằng quá khứ giúp cho con người thấu hiểu được bản thân mình là ai. Con người trong xã hội hiện nay, tuy vậy, lại sống trong thời đại mà mọi thứ chuyển động rất nhanh và họ thường có xu hướng khẳng định mình bằng cách nhìn vào tương lai hơn là chiêm nghiệm quá khứ.
Sự dửng dưng với lịch sử?
Nhiều người thường hay biện hộ rằng, hoàn cảnh và môi trường của quá khứ là khác biệt so với hiện tại. Người xưa sống trong một môi trường hoàn toàn khác, và vì thế các kinh nghiệm của họ khó có thể áp dụng vào hiện tại, khi mà con người đang ngày càng trở nên thông minh và sở hữu nhiều công cụ hơn.
Nhìn ra biển, công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ảnh: Vũ Trung |
Thái độ lãnh cảm với lịch sử của chúng ta hiện nay không phải do thiếu thông tin, mà là từ sự dửng dưng và không quan tâm đến các giá trị của quá khứ và qua đó thiếu những cách phản ứng và tiếp cận phù hợp.
Tuy nhiên, ai có thể kiểm soát được quá khứ thì sẽ kiểm soát được tương lai. Cách thức mà một con người, một dân tộc nhìn nhận quá khứ sẽ định hình cách thức mà con người đó, dân tộc đó hướng về tương lai, và đưa ra được câu trả lời cho những vấn đề ở hiện tại. Như Cervantes đã nói rằng “lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau”.
Lịch sử vốn là những sự kiện trong quá khứ được ghi chép lại. Bản thân lịch sử có tính tự thân. Nó là một hệ thống những dòng tương tác của hàng trăm sự việc ngẫu nhiên, là tổng thể hòa quyện ý chí, tư tưởng và hành động của con người. Hầu hết các xã hội trên thế giới đều nhấn mạnh đến khía cạnh “phát huy lòng yêu nước và các giá trị truyền thống của dân tộc”. Tuy nhiên, chỉ như vậy thôi là chưa đủ. Sử học mang trong mình nó hai tính chất: quan trọng và sự thật. Tính chất quan trọng thì ai cũng có thể biết, nhưng như thế nào là sự thật, sự thật đó có khách quan hay không, và khách quan đối với những ai là một câu hỏi mà ngay cả các nhà sử học cũng khó tìm ra câu trả lời chính xác.
Nhiệm vụ của sử học suy cho cùng là giúp các thế hệ sau hiểu đầy đủ về lịch sử, về quá khứ của cha ông, và quan trọng hơn là cung cấp cho dân tộc đó một lăng kính đa chiều, một phương pháp luận đúng đắn để xem xét tính “khách quan” của một sự việc, một hành vi. Áp đặt quan điểm không những khiến cho nhận thức của công chúng bị sai lệch, mà hơn hết biến những sự thật vốn khách quan thành không khách quan, và khiến cho phạm vi lựa chọn hành động của chúng ta trong hiện tại bị thu hẹp.
Tính tự thân của lịch sử yêu cầu bản thân nó phải được tôn trọng và được ghi chép đầy đủ. Sự kiện về cuộc chiến đấu đã xảy ra 40 năm về trước vào ngày 19/1/1974 cũng cần có một sự nhìn nhận, đánh giá công bằng.
Với Việt Nam hiện nay, Hải chiến mang trong nó sự phức tạp của lịch sử, sự nhạy cảm trong mối quan hệ với các nước lớn, sự khác biệt về tư tưởng giữa những người con cùng chung dòng máu, và quan trọng nhất là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc rất lớn của người Việt.
Chủ quyền đất nước và hòa hợp dân tộc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với các chuyên gia thuộc Hội Sử học Việt Nam vào chiều 30 tháng 12 tại Hà Nội nhấn mạnh: “Lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật, còn việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lại là vấn đề khác, thông qua các giải pháp hòa bình”.
Dường như, đây là một tín hiệu tương đối lạc quan, sau nhiều năm câu chuyện biển đảo không được đề cập công khai.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận của mình đối với vấn đề này. Thông điệp của Thủ tướng đã cho thấy nhà nước phần nào đã có một cái nhìn khác so với trước đây.
Lịch sử câu chuyện này, với tính tự thân của nó, không thể được nhìn nhận chỉ với lăng kính một chiều. Những người lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH), mặc dù đi theo một chế độ khác hoàn toàn về ý thức hệ, nhưng họ cuối cùng vẫn là hậu duệ của “con Rồng cháu Tiên”, hy sinh vì mục tiêu bảo vệ từng tấc đất của cha ông, dân tộc. Lòng yêu nước luôn luôn tồn tại trong tâm thức mỗi con dân nước Việt, tuy nhiên cách thể hiện khác nhau đã khiến cho góc nhìn giữa hai phía trở nên đối địch và gây chia rẽ tới tận ngày nay.
Nhiệm vụ của sử học, là tạo ra được một lăng kính phù hợp nhất, một cách tiếp cận đa chiều để từ đó thế hệ sau tự mình có thể đánh giá được khách quan các sự kiện, những hạn chế và đóng góp của những người lính trong trận đánh.
Với phương pháp tiến cận đó, không chỉ sự kiện này mà các sự kiện lịch sử nhạy cảm khác cũng sẽ được mổ xẻ và tranh luận một cách công khai và minh bạch. Cuối cùng, thông qua những lăng kính ấy, hiện tại và tương lai cũng sẽ phần nào được sáng tỏ hơn.
Những ngày tới đây, Đà Nẵng sẽ tổ chức một số hoạt động kỷ niệm. Nhưng, việc làm minh bạch thông tin sự kiện hay những việc làm khác chỉ là bước đầu tiên của quá trình thiết kế lại cách tiếp cận lịch sử theo hướng lấy người tiếp nhận là trung tâm, và trên hết là đổi mới tư duy.
Bối cảnh quốc tế hiện nay không giống như 30 hay 40 năm trước, thế và lực của Việt Nam đã thay đổi giúp chúng ta không còn phải “sợ sệt” khi đối đầu với nước lớn. Toàn cầu hóa khiến chúng ta dễ dàng chấp nhập sự khác biệt.
Lịch sử có giá trị soi sáng quá khứ, và làm nền tảng để con người hiện tại hướng tới tương lai.
Lịch sử được nhìn nhận đúng đắn sẽ giúp hàn gắn nhanh chóng hơn những viết thương lòng dai dẳng và là cách hiệu quả nhất, trong vòng một đến hai thế hệ, góp phần hòa hợp dân tộc và hòa giải quốc gia.
Thuận Phương