Khi các nhà lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) được chọn lựa tại đại hội toàn quốc khai mạc hôm nay, họ sẽ kế thừa những thành công, đồng thời đối mặt với thách thức chưa từng thấy. Bài viết được đăng trên Tân Hoa Xã.
Kinh tế và công lý
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, còn 7,8% nửa đầu năm nay, thị
trường chứng khoán ảm đạm kéo dài, người dân phàn nàn về tình trạng tham nhũng,
ô nhiễm, chênh lệch giàu nghèo.
TQ chuẩn bị diễn ra quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng nhất một
thập niên. Ảnh: THX
"Vấn đề quan trọng nhất với chính phủ là đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đồng thời
đảm bảo rằng mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ tăng trưởng ấy",
John Ross, cựu giám đốc Kinh tế và chính sách kinh doanh dưới thời Thị trưởng
London Ken Livingstone, hiện là giáo sư tại ĐH Giao thông, Thượng Hải nói.
"Việc cần tập trung là tạo việc làm, giảm bớt áp lực tài chính, cải thiện hệ
thống phân phối thu nhập", Đinh Nguyên Trúc, một nhà nghiên cứu thuộc Viện quản
lý Trung Quốc cho biết.
Vấn đề nhân khẩu học, cùng với thực trạng dân số già hóa nhanh chóng sẽ tạo áp
lực kinh tế lớn hơn với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc. Năm 2011, tỉ lệ lực
lượng lao động trong dân số lần đầu tiên sụt giảm. Trung Quốc đang già hóa nhanh
chóng. Người ta ước tính rằng, số dân trên 60 tuổi sẽ đạt mức kỷ lục 243 triệu
người vào năm 2020 (chiếm 18% dân số).
Lực lượng nhân công giá rẻ là một lợi thế cho tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc
trong quá khứ. Khi nguồn lực lao động sụt giảm, Trung Quốc sẽ phải tái cơ cấu
kinh tế để đảm bảo phát triển ổn định và hiệu quả hơn. Họ cũng sẽ phải chú ý
nhiều hơn tới an sinh xã hội.
Kể từ khi cải cách và mở cửa năm 1978, người dân Trung Quốc đã được hưởng lợi từ
sự phát triển kinh tế. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn ở khoảng cách khá xa để trở
thành một nước công nghiệp, khi GDP bình quân đầu người chỉ đứng khoảng 100 trên
thế giới.
Về khoảng cách thu nhập, chỉ số Gini (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong
phân phối thu nhập) ở mức 0,3949 tại khu vực nông thôn năm 2011, gần mức báo
động 0,4 của LHQ. Con số này ở vùng thành thị là 0,33, theo Cục thống kê quốc
gia Trung Quốc.
Ngoài sự chênh lệch giàu nghèo, các lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải giải
quyết tình trạng phát triển không cân đối giữa vùng duyên hải giàu có và vùng
nội địa ít phát triển hơn, giữa nông thôn và thành thị.
Một thách thức khác là những lo lắng, bất mãn của người dân về sự cạn kiệt tài
nguyên tự nhiên và ô nhiễm môi trường - nguyên nhân trực tiếp của những cuộc
biểu tình gần đây. Người dân Trung Quốc đặt hy vọng vào các nỗ lực của chính phủ
để tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái sau đại hội đảng 18.
Tiếng nói của dân
Sự xuất hiện của truyền thông xã hội, như dịch vụ Weibo kiểu như Twitter ở Trung
Quốc, đã trở thành một kênh để người dân thể hiện nỗi bất bình cũng như nâng cao
sự giám sát của dân với vấn nạn quan tham. Các nhà lãnh đạo tương lai của Trung
Quốc sẽ phải đảm bảo rằng, tiếng nói của người dân phản ánh qua các phương tiện
truyền thông xã hội được lắng nghe và không bị bỏ quên.
Trung Quốc đã trải qua những thay đổi rất lớn, về xã hội và kinh tế. "Trong một
xã hội ngày càng đa dạng hoá, người dân trở nên thẳng thắn hơn khi đối mặt với
các vấn đề liên quan tới lợi ích của chính họ”, nhà nghiên cứu Đinh cho biết.
Triệu Thành Canh, giáo sư trường quản lý thuộc ĐH Bắc Kinh tin rằng, chính phủ
Trung Quốc cần tăng cường trao đổi và tương tác với người dân nếu thực sự mong
muốn cải thiện nỗ lực quản lý xã hội. “Những ý tưỏng và bình luận của tất cả mọi
người phải được cân nhắc nghiêm túc trong quá trình ra quyết định”, ông nói.
Theo ông Triệu, một cách rất hiệu quả để giải quyết nhiều thách thức như tham
nhũng, môi trường, an ninh lương thực… cần phải tăng cường sự tham gia của dân
trong quá trình ra quyết định. "Không giống như 30 năm trước đây khi Trung Quốc
có thể phân bổ các nguồn lực kinh tế và đảm bảo hiệu quả quản trị theo con đường
kế hoạch”, ông Đinh nhấn mạnh. "Sau đại hội 18, tôi nghĩ CPC phải có sự thích
nghi, ứng dụng sáng tạo hơn với tính đa dạng ngày càng lớn trong xã hội và phát
triển kinh tế”.
Đối ngoại
Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ toàn cầu hoá. Vào lúc bắt đầu
thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Trung Quốc được coi là một cường quốc khu vực.
Môi trường quốc tế đã khác hẳn so với những gì Trung Quốc trải qua từ 30 năm
trước đây.
Hoàng Thụ Tân, nhà nghiên cứu tại ĐH Quốc phòng Trung Quốc tin rằng, các yếu tố
bên ngoài nổi bật sẽ ảnh hưởng tới chiến lược của Trung Quốc trong tương lai gần
bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh tài nguyên, chiến tranh thương mại và
tranh chấp lãnh thổ.
Theo giới phân tích, các cường quốc phương Tây đang chuyển đổi chiến lược tập
trung về châu Á. Điều này với một số nhân tố khác sẽ dẫn tới khả năng bất đồng
ngày càng lớn giữa Trung Quốc và các nước lân cận.
Tuy nhiên, Tần Cương, giáo sư trường đảng Trung Quốc cho hay, mặc dù có những
tranh chấp lãnh thổ và nhiều “xích mích” khác, thì quan hệ giữa Trung Quốc với
phần còn lại của thế giới sẽ tương đối ổn định do lợi ích chia sẻ, chồng chéo.
Ông hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục có một môi trường tương đối ổn định và
hoà bình để phát triển. "Cộng đồng quốc tế có thể hưởng lợi từ nhịp độ phát
triển nhanh và ổn định của Trung Quốc, và sự tham gia của họ trong con đường
phát triển của đất nước sẽ tăng cường lợi thế cạnh tranh cho Trung Quốc”, nhà
nghiên cứu Đinh Nguyên Trúc khẳng định.
Thái An (theo THX)