Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến nay cả nước có hơn 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 361.590 người đang hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng.
Mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhưng vẫn dành ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định 20 là 360.000 đồng/tháng.
Mức thấp nhất là hệ số 1 và cao nhất là hệ số 2,5 (hệ số bình quân chung 1,41). Hằng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, năm 2006 là 65.000 đồng/tháng, năm 2007 tăng lên 120.000 đồng/tháng, năm 2010 là 180.000 đồng/tháng, đến năm 2013 là 270.000 đồng/tháng, tăng 6 lần so với năm 2000. Năm 2021 ở mức 360.000 đồng và áp dụng đến nay.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, qua thời gian, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng chậm so với quá trình cải cách chính sách BHXH, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.
Mức trợ cấp rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 (chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng).
Tính từ năm 2021 đến nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng là 26,5% (từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng). Mức tăng lương cơ sở sau 4 năm là 20,8% (từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng).
Dự kiến hiện nay, từ ngày 1/7/2024 mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng 35,7% (từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng), mức lương cơ sở dự kiến tăng 30%. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội, để bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội là cần thiết.
Giá của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân tăng lên, trong khi mức trợ cấp xã hội không thay đổi khiến cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng. Theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đề xuất trên không chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhóm người không tự chăm lo cho cuộc sống như người cao tuổi, trẻ mồ côi mà còn thu hẹp khoảng cách các nhóm trong xã hội khi từ 1/7/2024 thực hiện cải cách tiền lương.
Theo phương án đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, nếu mức trợ cấp hàng tháng tăng lên 500.000 đồng mỗi người/tháng, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7 tới, kinh phí phát sinh 4.700 tỷ đồng.