Vùng đất mang khát vọng hoà bình mạnh mẽ
Tháng 7 năm nay, tôi vào Quảng Trị đúng dịp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ý nghĩa. Cả đoàn được tham dự Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Đây là một chương trình nghệ thuật đặc sắc, kết hợp đa không gian từ trên bờ xuống dưới sông, kết nối trục Bắc - Nam của cầu Hiền Lương với điểm nhấn là màn trình diễn số lượng lớn các thiết bị bay không người lái tạo nên hệ thống âm thanh, ánh sáng, hình ảnh phối hợp nhịp nhàng, lung linh sắc màu.
Ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội như tên gọi của nó là sự tôn vinh giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Quảng Trị hoà cùng dòng chảy khát vọng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Chiến tranh đã dần lùi xa song những vết thương bởi bom đạn vẫn hiện hữu khắp Quảng Trị. 72 xã của tỉnh đồng thời có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang cấp quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Quảng Trị được mệnh danh là bảo tàng sinh động nhất về di tích lịch sử chiến tranh cách mạng với hơn 500 di tích, cụm di tích. Xét trên nhiều tiêu chí, Quảng Trị xứng đáng được tôn vinh là vùng đất với khát vọng hòa bình mạnh mẽ.
Lễ hội Vì hòa bình 2024 diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Giơ ne vơ về đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương (1954-2024); kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (1947-2024) và hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (1975-2025). Lễ hội còn là một hoạt động nhân dịp 25 năm ngày Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình, ngày Quốc tế hòa bình, hưởng ứng năm của hòa bình và niềm tin quốc tế 2025.
Chuỗi hoạt động lễ hội đều mang thông điệp hòa bình như: Chương trình giao lưu âm nhạc Giai điệu hòa bình; Chương trình nghệ thuật chính luận do Báo Nhân dân phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức với chủ đề Vỹ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình; Chương trình Ước nguyện hòa bình diễn ra tại Bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị...
Kết nối những nhịp cầu
Trong chương trình nghệ thuật với chủ đề Kết nối những nhịp cầu, phần trình diễn của NSND Phạm Phương Thảo với ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương (nhạc sĩ Hoàng Hiệp) đã gây xúc động mạnh. Cô không đứng trên sân khấu lớn của lễ khai mạc mà biểu diễn trên con thuyền trôi theo dòng sông Bến Hải.
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải từng trở thành nơi “chia mặt, cách lòng”, ghi dấu niềm thương nỗi nhớ cho người dân đôi bờ, là minh chứng cho sự chia cắt đất nước suốt 20 năm. Cây cầu trở thành biểu tượng cho quyết tâm, khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc.
Bài hát Nhịp cầu nối những bờ vui (sáng tác: Văn An, thơ: Phan Văn Từ) vang lên đã chạm đến cảm xúc của khán giả, thể hiện sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Đáng chú ý, lần đầu tiên ở Quảng Trị, gần 1.000 drone light được sử dụng để tạo hình rất đa dạng: từ hình ảnh Thánh Gióng cởi giáp bay về trời, vua Lê Thái Tổ hoàn trả gươm báu cho rùa thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến hình ảnh chim bồ câu biểu tượng của tự do và hòa bình.
Kết thúc chương trình khai mạc Lễ hội Vì hoà bình là màn pháo hoa rực rỡ kết hợp với giai điệu rộn ràng của bài hát Nối vòng tay lớn (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) mang lại cảm xúc thiêng liêng cho người dân địa phương và du khách. Đồng thời, thắp lên niềm tin vào tương lai tươi sáng và khát vọng về một nền hòa bình bền vững cho Việt Nam cũng như các quốc gia trên toàn cầu.
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng những câu hát đầy ý nghĩa trong ca khúc Khát vọng Quảng Trị của nhạc sĩ Võ Thế Hùng do ca sĩ Tùng Dương trình bày: “Sau tất cả trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Ta đến ôm nhau mừng ngày thống nhất, Quảng Trị ơi, miền đất thiêng. Bao máu xương nở hoa hòa bình”.
Trần Trung Hiếu
Ảnh: NVCC