Đoàn xe tang rời trung tâm Hà Nội ra sân bay
12h, đoàn xe tang qua cầu Nhật Tân.
Ảnh: Phạm Duy - Hoàng Đông.
Đoàn linh xa đưa linh cữu đại tướng qua nhiều địa điểm ở Hà Nội
Linh xa rời Nhà tang lễ Quốc gia...
... qua Nhà hát Lớn Hà Nộ
... nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu
... cột cờ Hà Nội
...qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phủ Chủ tịch
Đội tiêu binh đứng trước cửa nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu, đón Đại tướng Lê Đức Anh lần cuối.
Ảnh: Việt Linh.
Theo lộ trình, tại Hà Nội, đoàn di quan linh cữu đại tướng Lê Đức Anh đi từ Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông -> Bộ Quốc phòng -> Nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu -> Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh -> Phủ Chủ tịch -> Sân bay Nội Bài.
Đồ họa: Phượng Nguyễn.
-
Xe tang rời Nhà tang lễ Quốc gia
Sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được di chuyển ra linh xa. Theo lộ trình, đoàn xe tang sẽ đi qua một số địa điểm ở nội thành trước khi ra sân bay Nội Bài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo trong và ngoài nước, các nguyên lãnh đạo tiễn đưa đại tướng Lê Đức Anh lần cuối.
11h30, đoàn xe rời Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.
'Ba đã sống một cuộc sống kiên cường và bình dị'
Để tỏ lòng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh, Ban tổ chức thông báo dành 1 phút mặc niệm Đại tướng Lê Đức Anh. Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, phút mặc niệm dành cho Đại tướng bắt đầu.
Sau lời điếu của Thủ tướng, ông Lê Mạnh Hà, con trai Đại tướng Lê Đức Anh thay mặt gia đình có lời đáp từ.
“Thưa ba, ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác, vượt qua 4 cuộc kháng chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thực sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi”, ông Hà nói, giọng nghẹo ngào.
Con trai cố Chủ tịch nước ngậm ngùi nói gia tài của ba ông để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương và vị tha, nhân hậu. “Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba, chúng con chào ba, ba về bên mẹ, bên bạn bè thời kỳ khói lửa và thời bình yên. Vĩnh biệt ba”, ông Hà chia sẻ trong trong tiếng nấc nghẹn.
Phía bên dưới, gia quyến cố Chủ tịch nước và nhiều người dự tang lễ không cầm được nước mắt.
Trưởng ban lễ tang thông báo lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh kết thúc. Ông mời đại diện gia đình, các đồng chí lão thành, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt đại tướng Lê Đức Anh lần cuối. Gia quyến của ông trong những phút giây tiễn biệt đã không thể giấu nổi cảm xúc, nhiều người đàn ông cũng bật khóc.
Ảnh: Hà Linh.
Thủ tướng đọc điếu văn tiễn biệt
10h50, sau lễ viếng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước lên bục, trang trọng đọc lời điếu văn tiễn biệt vị cố Chủ tịch nước.
“Hôm nay trong niềm tiếc thương vô hạn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng đồng bào, đồng chí, gia đình tổ chức trọng thể lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng”, người đứng đầu Chính phủ mở đầu lời điếu văn tiễn biệt. Thủ tướng khẳng định Đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn, là người đảng viên cộng sản kiên trung, luôn hy sinh vì lợi ích của nhân dân. Đại tướng mất đi là tổn thất to lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bề quốc tế.
Ảnh: Hà Linh.
Hơn 1.000 đoàn vào viếng
10h45, không khí trang nghiêm tại Nhà tang lễ quốc gia chuẩn bị cho Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh. Ban Tổ chức lễ tang thông báo đã đến giờ làm lễ truy điệu. Đại diện ban tổ chức lễ tang trân trọng kính mới các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và đại diện các cơ quan đoàn thể đứng bên phải tang, gia quyến cố Chủ tịch nước đứng bên trái phòng tang theo hướng từ dưới lên.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban tổ chức lễ tang tuyên bố lễ truy điệu. Ông cho biết sáng nay đã có hơn 1.000 đoàn vào viếng cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hội trường Thống Nhất TP.HCM và Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều lãnh đạo các nước cũng đã gửi điện chia buồn.
“Vào thời khắc linh thiêng này, chúng ta tập trung ở đây để tiễn đưa đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng”, Phó Thủ tướng nói và tuyên bố lễ truy điệu đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu.
Ông vừa dứt lời, tiếng nhạc của bài Quốc ca vang lên trang trọng, mọi người có mặt trong nhà tang lễ lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ cố Chủ tịch nước. Lúc này, nhiều người trong gia quyến cố Chủ tịch nước bật khóc, lặng lẽ lau nước mắt.
10h45, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu.
Gia đình đại tướng tổ chức lễ tang ở Thừa Thiên - Huế
Ngày 3/5, tang lễ của Đại tướng Lê Đức Anh đã được gia đình tổ chức ở quê nhà tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Từ sáng sớm, các đoàn thể trong huyện cùng bà con trong xã đã đến thắp nén nhang viếng Đại tướng. Nhiều người không kiềm được xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của vị Đại tướng tài ba, một người con của quê hương Lộc An.
Ảnh: Điền Quang.
Hơn 10h, cỗ linh xa chuẩn bị vào vị trí trước khi lễ truy điệu bắt đầu. Sau lễ truy điệu, linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được di chuyển qua một số địa điểm ở Hà Nội rồi ra sân bay Nội Bài. Lễ an táng diễn ra ở nghĩa trang TP.HCM từ 17h.
Ảnh: Hà Linh.
Nhiều đoàn quốc tế, đại diện các bộ ngành vào viếng
Ảnh: Hà Linh.
Thủ tướng Campuchia viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Ảnh: Hà Linh.
Những lời xúc động trong sổ tang
"Vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh - nhà lãnh đạo xuất sắc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, cũng như trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu những lời tiễn biệt trong sổ tang.
Người đứng đầu Chính phủ ngậm ngùi chia sẻ sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. “Chúng ta mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh - người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi”, Thủ tướng viết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự thương tiếc vô cùng với Đại tướng Lê Đức Anh. Theo Chủ tịch Quốc hội, cố Chủ tịch nước là nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực, giàu lòng nhân ái và cuộc sống giản đơn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết trọn 100 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã sống và cống hiến cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Ông ra đi là một mất mát to lớn, nỗi tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam cùng nhiều bạn bè, đồng chí trên thế giới...
Quyết đoán và dám chịu trách nhiệm trước lịch sử
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nói ông rất khâm phục Đại tướng Lê Đức Anh bởi phẩm chất của người chỉ huy, dù khó khăn bao nhiêu cũng vẫn luôn vững vàng. Tướng Lê Đức Anh là người luôn có những dự cảm đặc biệt, tính toán, nắm bắt được mọi việc nên không bao giờ ở trong thế bị động.
“Cái hay của anh Lê Đức Anh là anh dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, vì nếu chần chừ chờ ý kiến cấp trên sẽ đánh mất thời cơ”, ông Trà nói.
'Mãi mãi nhớ về anh Sáu Nam kính mến'
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ông cùng một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Khi ấy, đại tướng Lê Đức Anh nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến, tin tưởng và gửi gắm tình cảm tốt đẹp...
Theo lời người đứng đầu Chính phủ, kể cả khi ốm nặng và trong quá trình điều trị, mỗi lần đồng chí, đồng đội, đồng bào đến thăm, đại tướng Lê Đức Anh kính mến đều hỏi về tình hình đất nước, về cuộc sống của người dân với tình cảm ân cần, cảm động.
Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sống giản dị, gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng tình nghĩa với quê hương.
Trên chiến trường, ông là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp. Trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, ông đã nghiên cứu sâu sắc về cách thức, phương pháp, bước đi để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với một số nước, góp phần đặt nền móng cho chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng, Nhà nước ta.
“Chúng ta mãi mãi nhớ về đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại tướng Lê Đức Anh cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là Phó Thủ tướng) trong lễ mừng thọ năm 2014 của ông. Ảnh: Vietnamnet.
Đại tướng Lê Đức Anh qua lời kể người giúp việc lâu năm
Theo lời kể của Đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, người đã có hơn 10 năm gắn bó, giúp việc cho nguyên Đại tướng Lê Đức Anh (từ 2003 đến 2015), cố Chủ tịch nước là người luôn có khả năng truyền lửa cho người khác bởi tư duy, cách đánh giá vấn đề và thái độ, bản lĩnh trước mọi biến cố của lịch sử. Ông cũng là người hiền hậu, điềm tĩnh, tốt bụng, thân thiết với tất cả mọi người.
Danh dự là hai chữ mà cố Chủ tịch nước luôn đề cao, ông không bao giờ tạo điều kiện hay nâng đỡ con cái, mà để các con tự phấn đấu và trưởng thành.
Đại tá Hồ Sơn Đài kể, một hôm xem tivi thấy con trai mình (khi ấy là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông), Đại tướng còn quay sang hỏi vợ ngồi bên cạnh: "Bà ơi, con mình bây giờ nó làm gì ở bưu điện à?". Như vậy để thấy, ông không bao giờ tác động trong việc chọn nghề nghiệp cho con cái.
Lãnh đạo, người dân Thừa Thiên - Huế vào viếng đại tướng
Cũng trong sáng 3/5, tại hội truờng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, quê hương của đại tướng, lễ viếng cố Chủ tịch nước đã diễn ra.
Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế đeo băng tang, nghiêm trang xếp hàng vào viếng.
Lễ viếng Đại tướng sẽ tiếp tục đến 10h45, sau đó là lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội), Hội trường Thống Nhất TP.HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lễ an táng vào hồi 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM.
Xếp hàng vào viếng trong mưa
Lúc này, bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia, dù trời còn mưa nhẹ nhưng rất đông người đội mưa xếp hàng chờ vào viếng cố Chủ tịch nước.
Cùng thời gian, ở TP.HCM, lễ viếng cố Chủ tịch nước đang diễn ra tại hội trường Thống Nhất.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành thông báo mời đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ ở TP.HCM cùng các thành viên ban Tổ chức lễ tang, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn vào viếng. Mọi người đều đeo băng đen, cúi đầu dành một phút mặc niệm cố Đại tướng.
Ảnh: Hà Linh.
Các lãnh đạo vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
7h13: đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn vào viếng cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
7h18: Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn vào viếng. Trong đoàn viếng còn có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Chính phủ. Sau khi thắp hương kính viếng đại tướng Lê Đức Anh, các lãnh đạo Chính phủ đến chia buồn cùng gia quyến cố Chủ tịch nước.
Sau đoàn viếng của Chính phủ, đoàn Chủ tịch nước do Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm Trưởng đoàn vào viếng. Đi cùng đoàn còn có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng nhiều cựu lãnh đạo Nhà nước khác. Chia sẻ với nỗi đau mất mát cùng gia quyến, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà nước tới bàn ghi sổ tang, lưu lại những dòng tiễn biệt.
Tiếp đó, các đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng... vào viếng.
Thay đổi giờ truy điệu cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết lễ viếng đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức tại nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Để đảm bảo thời gian đưa linh cữu cố Chủ tịch nước vào TP.HCM và thể theo nguyện vọng của gia đình, Trưởng ban tổ chức lễ tang thông báo, lễ truy điệu cố Chủ tịch nước sẽ được tổ chức vào hồi 10h45 cùng ngày thay vì vào 11h như đã thông báo trước đây. Lễ an táng vào hồi 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM. Cùng thời gian này tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM và hội trường UBND Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức lễ viếng đại tướng Lê Đức Anh. Sau thông báo của Trưởng ban lễ tang, Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn vào viếng. Ảnh: Hà Linh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban tổ chức Lễ tang tuyên bố lễ tang.Ông điểm lại tiểu sử của Đại tướng Lê Đức Anh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đại tướng Lê Đức Anh mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tỏ lòng biết ơn nguyên Chủ tịch tịch nước Lê Đức Anh, lễ tang của ông được tổ chức với nghi thức Quốc tang. Ban Lễ tang gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban), Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính… và nhiều lãnh đạo các bộ, cơ quan ban ngành khác. Ảnh: Hà Linh.
Hà Nội đổ mưa
Ngay từ sáng sớm, trời Hà Nội đã đổ mưa. Các tuyến đường xung quanh Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) - nơi quàn linh cữu của cố Chủ tịch nước đều cấm phương tiện qua lại, các hoạt động an ninh được thắt chặt trước giờ diễn ra lễ Quốc tang.
Ảnh: Hà Linh - Quang Đức.
- Vị tướng gắn bó cả đời cho sự nghiệp cách mạng
Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thường trú tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5/1938.
Ông là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VIII, IX; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá IV, V, VI, VII, VIII; là Bí thư Trung ương Đảng khoá VII. Ông cũng là Ủy viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII.
Từ tháng 9/1992-12/1997, ông giữ cương vị Chủ tịch nước. Sau đó, ông giữ vai trò là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4/2001, rồi chính thức nghỉ hưu.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đại tướng Lê Đức Anh đã từ trần hồi 20h10, ngày 22/4/2019 (tức ngày 18 tháng 3 năm Kỷ Hợi), tại số nhà 5A Hoàng Diệu.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Đại tướng Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Các tuyến phố Hà Nội bị cấm ngày quốc tang
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang
Ngày 27/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quyết định tổ chức tang lễ đại tướng Lê Đức Anh với nghi thức Quốc tang. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang.
Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh sẽ bắt đầu từ 7h đến 11h ngày 3/5 tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Cùng thời gian này tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức lễ viếng, truy điệu đại tướng Lê Đức Anh. Lễ an táng từ 17h ngày 3/5 tại Nghĩa trang TP.HCM.
Việc treo cờ rủ sẽ áp dụng cho các cơ quan, công sở trong cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Cờ rủ là Quốc kỳ, có dải băng tang (kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay).
Đúng 6h sáng nay, lễ treo cờ rủ đã được cử hành tại khu vực Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), chính thức bắt đầu hai ngày Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Ảnh: Việt Linh.
Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh trong 2 ngày
Trong hai ngày 3-4/5, các ban ngành đoàn thể và địa phương sẽ ngừng các hoạt động chào mừng, thi đấu thể thao, vui chơi giải trí để tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước sẽ ngừng, hoãn tổ chức các sự kiện chào mừng, chương trình nghệ thuật, thi đấu thể thao và hoạt động vui chơi, giải trí khác trong hai ngày 3 và 4/5.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, các cơ sở vui chơi, giải trí dừng, hoãn tổ chức các chương trình nghệ thuật, thi đấu thể thao và hoạt động vui chơi, giải trí khác trên địa bàn trong thời gian này.